Tóm tắt nội dung kiến thức kiểm tra Học kì II môn GDCD Lớp 12 năm học 2019- 2020
Bạn đang xem tài liệu "Tóm tắt nội dung kiến thức kiểm tra Học kì II môn GDCD Lớp 12 năm học 2019- 2020", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên.
Tóm tắt nội dung tài liệu: Tóm tắt nội dung kiến thức kiểm tra Học kì II môn GDCD Lớp 12 năm học 2019- 2020
TÓM TẮT NỘI DUNG KIẾN THỨC KIỂM TRA HỌC KÌ II NĂM HỌC 2019 – 2020 BÀI 6: CÔNG DÂN VỚI CÁC QUYỀN TỰ DO CƠ BẢN: 1. Các quyền tự do cơ bản của công dân a. Quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân * Khái niệm Quyền bất khả xâm phạm về thân thể được ghi nhận tại khoản 2, điều 20, Hiến pháp 2013, là: Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện Kiểm sát, trừ trường hợp tội phạm quả tang * Nội dung: - Không ai dù ở cương vị nào có quyền tự ý bắt, giam và giữ người vì những lí do không chính đáng hoặc do nghi ngờ không có căn cứ. Tự ý bắt giam giữ người trái pháp luật là xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân, là hành vi trái pháp luật, phải bị xử lí nghiêm minh theo pháp luật. - Trong một số trường hợp cần thiết để giữ gìn trật tự, an ninh, để điều tra và ngăn chặn tội phạm thì những cán bộ nhà nước có thẩm quyền thuộc cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án và một số cơ quan khác được quyền bắt giam giữ người nhưng phải theo đúng trình tự và thủ tục do pháp luật quy định. Pháp luật quy định 3 trường hợp được bắt, giam và giữ người. + Trường hợp 1: Bắt bị can, bị cáo khi có quyết định của Viện Kiểm sát, cơ quan điều tra, Tòa án. + Trường hợp 2: Bắt người trong trường hợp khẩn cấp được tiến hành khi: Có căn cứ cho rằng người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Có người chính mắt trông thấy và xác nhận đúng người đó đã thực hiện tọi phạm xét thấy cần bắt ngay để người đó không trốn được. Thấy ở người hoặc chỗ ở một người nào đó có dấu vết của tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn. + Trường hợp 3: Bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã. Bất kì ai cũng có quyền bắt và giải ngay đến cơ quan Công an, Viện Kiểm sát hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất. Chú ý: Trong mọi trường hợp người ra lệnh bắt khẩn cấp phải báo ngay cho Viện Kiểm sát cùng cấp bằng văn bản để xét phê chuẩn. Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi nhận được đề nghị phê chuẩn, VKS phải ra quyết định phê chuẩn hoặc không phê chuẩn. Nếu VKS quyết định không phê chuẩn thì người bị bắt được trả tự do ngay. b. Quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của công dân *Khái niệm Quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của công dân được ghi nhận tại khoản 1, điều 20, Hiến pháp 2013 Quyền này nghĩa là: Công dân có quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, được bảo vệ danh dự và nhân phẩm; không ai được xâm phạm tới tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của người khác. * Nội dung quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của công dân -Nội dung 1: Không ai được xâm phạm tới tính mạng, sức khỏe của người khác. Pháp luật quy định: + Không ai được đánh người; đặc biệt nghiêm cấm hành vi hung hãn, côn đồ, đánh người gây thương tích, làm tổn hại đến sức khỏe người khác. + Nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm đến tính mạng của người khác như giết người, đe dọa giết người, làm chết người Tham khảo: Ngoài tài liệu sách giáo khoa, cần chú ý Điều 134 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác như sau: “1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người; b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm; c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; Điều 138 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017: - Người nào vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm: + Đối với 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%; + Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên. - Phạm tội đối với 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm. -Nội dung 2: Không ai được xâm phạm tới danh dự và nhân phẩm của người khác. Hành vi bịa đặt điều xấu, tung tin xấu, nói xấu, xúc phạm là các hành vi xâm phạm tới danh dự và nhân phẩm của người khác. ØBất kì ai dù ở cương vị nào cũng đều không có quyền xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của công dân. ØMọi hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của công dân vừa trái với đạo đức xã hội, vừa vi phạm pháp luật, phải bị xử lí theo pháp luật. Tham khảo link: https://luatminhkhue.vn/xam-nhap-quyen-rieng-tu--xuc-pham-danh-du-cua-nguoi-khac.aspx Xử lý vi phạm hành chính: Theo khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP thì những người đó sẽ bị xử phạt hành chính. Khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định như sau: "Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng 1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;" c. Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân. c.1. Thế nào là quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân. - Được ghi nhận ở điều 22 HP 2013 (sđ). Điều 192 (BLTTHS 2015); điều 158(BLHS 2015) SGK trang 64 và 65, Điều 12 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 - Quyền bất khả xâm phạm chỗ ở là: * Không ai được tự ý vào chỗ ở người khác nếu không được người đó đồng ý. * Việc khám xét nhà phải dược pháp luật, cơ quan có thẩm quyền cho phép: những người nào có thẩm quyền ra lệnh khám chỗ ở, làm việc, địa điểm của người khác: * Việc khám xét nhà theo đúng trình tự, thủ tục do pháp luật quy định. c.2. Nội dung quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân. - Nội dung 1: Không một ai có quyền tuỳ tiện vào chỗ ở của người khác nếu không ai được người đó đồng ý. - Nội dung 2: Khám chỗ ở của công dân phải theo đúng pháp luật. + Trường hợp 1: Khi có căn cứ để nhận định trong chỗ ở có công cụ, phương tiện phạm tội, tài liệu, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, dữ liệu điện tử, tài liệu khác liên quan đến vụ án; + Trường hợp 2: Việc khám chỗ ở, làm việc, địa điểm cũng được tiến hành khi cần phát hiện người đang bị truy nã, truy tìm và giải cứu nạn nhân. => Trình tự khám xét (cả 2 trường hợp) + Phải đọc lệnh khám, đưa cho đương sự đọc và giải thích cho đương sự + Khi khám phải có mặt người chủ hoặc người thành niên trong gia đình và đại diện chính quyền địa phương (xã) + Không được khám vào ban đêm (nếu khám phải ghi biên bản) + Khi khám chỗ làm việc thì phải có mặt người đó (nếu không thể trì hoãn thì phải ghi biên bản) Theo quy định tại khoản 1, điều 113 và điều khoản 1, 193 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì những người sau có quyền ra lệnh khám xét chỗ ở: - Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp. Trường hợp này, lệnh bắt phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành; - Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự các cấp; - Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân và Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quân sự các cấp; Hội đồng xét xử d. Quyền được đảm bảo an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín. - Là phương tiện sinh hoạt thuộc đời sống tinh thần của con người thuộc về bí mật đời tư của cá nhân cần phải được đam bảo. - Không ai được tự tiện bóc mở, giữ, tiêu huỷ điện tín của người khác. - Chỉ có những người có thẩm quyền trong trường hợp cần thiết được kiểm soát điện thoại, điện tín của người khác: + Viện trưởng, viện phó VKSND, VKSQS các cấp. + Chánh án, phó chánh án TAND, TAQS các cấp. + Thẩm phám giữ chức vụ chánh toà, phó chánh án toà án phúc thẩm TANDTC, Hội đồng xét xử. + Thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra các cấp - Những người có hành vi trái với quy định của pháp luật sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Điều 159 Bộ luật hình sự 2015 quy định: 1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm: a) Chiếm đoạt thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông dưới bất kỳ hình thức nào; b) Cố ý làm hư hỏng, thất lạc hoặc cố ý lấy các thông tin, nội dung của thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông; c) Nghe, ghi âm cuộc đàm thoại trái pháp luật; d) Khám xét, thu giữ thư tín, điện tín trái pháp luật; đ) Hành vi khác xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín, telex, fax hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm: a) Có tổ chức; b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; c) Phạm tội 02 lần trở lên; d) Tiết lộ các thông tin đã chiếm đoạt, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác; đ) Làm nạn nhân tự sát. 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm. BÀI 7: CÔNG DÂN VỚI CÁC QUYỀN DÂN CHỦ 1/ Quyền bầu cử và quyền ứng cử các cơ quan đại biểu của nhân dân a) Khái niệm quyền bầu cử và ứng cử Quyền bầu cử và ứng cử là các quyền dân chủ cơ bản của công dân trong lĩnh vực chính trị, thông qua đó , nhân dân thực thi hình thức dân chủ gián tiếp ở từng địa phương và trong phạm vi cả nước b) Nội dung quyền bầu cử và ứng cử vào các cơ quan đại biểu của nhân dân * Người có quyền bầu cử và ứng cử vào cơ quan đại biểu của nhân dân: Mọi công dân Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên đều có quyền ứng cử vào Quốc Hội, Hội đồng nhân dân. Những trường hợp không được thực hiện quyền bầu cử gồm: người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; người đang phải chấp hành hình phạt tù; người mất năng lực hành vi dân sự; Những trường hợp không được thực hiện quyền ứng cử: Những người thuộc diện không được thực hiện quyền bầu cử; người đang bị khởi tố về hình sự; người đang phải chấp hành bản án, quyết định của tòa án; người đã chấp hành xong bản án, quyết định của tòa án nhưng chưa được xóa án; người đang chấp hành quyết định xử lí hành chính về giáo dục hoặc đang bị quản chế hành chính. *Cách thực hiện quyền bầu cử và ứng cử của công dân Quyền bầu cử của công dân thực hiện theo các nguyên tắc: bầu cử phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Quyền ứng cử của công dân được thực hiện theo hai con đường: tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử. *Cách thức nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước thông qua các đại biểu và cơ quan quyền lực nhà nước- cơ quan đại biểu của nhân dân: -Thứ nhất các đại biểu nhân dân phải liên hệ chặt chẽ với các cử tri. -Thứ hai, các đại biểu nhân dân chịu trách nhiệm trước nhân dân và chịu sự giám sát của cử tri. 2/ Quyền tham gia quản lí nhà nước và xã hội a) Khái niệm về quyền tham gia quản lí đất nước và xã hội Quyền tham gia quản lí đất nước và xã hội là quyền của công dân tham gia thảo luận vào các công việc chung của đất nước trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong phạm vi của cả nước và trong địa phương; quyền kiến nghị với các cơ quan nhà nước về xây dựng bộ máy nhà nước và phát triển kinh tế xã hội. b) Nội dung cơ bản của quyền tham gia quản lí nhà nước và xã hội *Ở phạm vi cả nước: Tham gia thảo luận, góp ý kiến xây xựng các văn bản pháp luật. Thảo luận và biểu quyết các vấn đề trọng đại khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân. * Ở phạm vi cơ sở: Trực tiếp thực hiện theo cơ chế “Dân biết, dân làm, dân kiểm tra”: Những việc phải được thông báo để dân biết mà thực hiện (chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước). Những việc dân làm và quyết định trực tiếp bằng biểu quyết công khai hoặc bỏ phiếu kín Những việc dân được thảo luận, tham gia đóng góp ý kiến trước khi chính quyền xã quyết định. Những việc nhân dân ở phường, xã giám sát, kiểm tra. 3/ Quyền khiếu nại, tố cáo của công dân a) Khái niệm quyền khiếu nại, tố cáo của công dân Quyền khiếu nại, tố cáo là quyền dân chủ cơ bản của công dân được quy định trong hiến pháp, là công cụ để nhân dân thực hiện dân chủ trực tiếp trong những trường hợp cần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức bị hành vi trái pháp luật xâm hại. -Quyền khiếu nại là quyền CD, cơ quan, tổ chức được đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại hành vi hành chính khi có căn cứ cho rằng hành vi đó trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích của công dân. -Quyền tố cáo là quyền CD được phép báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về hành vi vi phạm PL của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe doạ đến lợi ích của NN, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức b) Nội dung quyền khiếu nại, tố cáo của công dân. * Người có quyền khiếu nại, tố cáo: Người khiếu nại: mọi cá nhân, tổ chức có quyền khiếu nại. Người tố cáo: Chỉ có công dân có quyền tố cáo. * Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại , tố cáo -Người giải quyết khiếu nại: Người đứng đầu cơ quan hành chính có quyết định, hành vi hành chính bị khiếu nại; người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp của cơ quan hành chính có quyết định, hành vi hành chính bị khiếu nại; Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Tổng Thanh tra Chính phủ, thủ tướng chính phủ. -Người giải quyết tố cáo: người đứng đầu cơ quan tổ chức có thẩm quyền quản lý người bị tố cáo, người đứng đầu cơ quan tổ chức cấp trên của cơ quan, tổ chức người bị tố cáo; Chánh Thanh tra các cấp, Tổng Thanh tra Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Nếu hành vi bị tố cáo có dấu hiệu tội phạm thì do các cơ quan tố tụng giải quyết * Quy trình khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại tố cáo *Quy trình khiếu nại và giải quyết khiếu nại: Bước 1: Người khiếu nại nộp đơn khiếu nại đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết khiếu nại Bước 2: Người giải quyết khiếu nại xem xét giải quyết khiếu nại theo thẩm quyền và trong thời gian do luật quy định. Bước 3: Nếu người khiếu nại đồng ý với kết quả giải quyết thì quyết định của người giải quyết khiếu nại có hiệu lực thi hành. Nếu người khiếu nại không đồng ý thì họ có quyền lựa chọn một trong hai cách: hoặc tiếp tục khiếu nại lên người đứng đầu cơ quan hành chính cấp trên, hoặc kiện ra Tòa Hành chính thuộc Tòa án nhân dân giải quyết. Bước 4: Người giải quyết khiếu nại lần hai xem xét, giải quyết yêu cầu của người khiếu nại. Nếu người khiếu nại vẫn không đồng ý với quyết định giải quyết lần hai thì trong thời gian do luật quy định, có quyền khởi kiện ra Tòa hành chính thuộc Tòa án nhân dân. *Quy trình tố cáo và giải quyết tố cáo gồm các bước sau: Bước 1: Người tố cáo gửi đơn tố cáo đến CQ, TC, CN có thẩm quyền GQ tố cáo. Bước 2: Người giải quyết tố cáo phải tiến hành việc xác minh và giải quyết nội dung tố cáo. Bước 3: Nếu người tố cáo có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo không đúng pháp luật hoặc quá thời gian quy định mà tố cáo không được giải quyết thì người tố cáo có quyền tố cáo với cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của người giải quyết tố cáo. Bước 4: Cơ quan tổ chức, cá nhân giải quyết tố cáo lần hai có trách nhiệm giải quyết trong thời gian luật quy định.
File đính kèm:
- tom_tat_noi_dung_kien_thuc_kiem_tra_hoc_ki_ii_mon_gdcd_lop_1.docx