Nội dung ôn tập Ngữ Văn Lớp 11 - Bài thơ: Chiều tối

doc 7 trang Mạnh Hào 19/06/2024 870
Bạn đang xem tài liệu "Nội dung ôn tập Ngữ Văn Lớp 11 - Bài thơ: Chiều tối", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên.

Tóm tắt nội dung tài liệu: Nội dung ôn tập Ngữ Văn Lớp 11 - Bài thơ: Chiều tối

Nội dung ôn tập Ngữ Văn Lớp 11 - Bài thơ: Chiều tối
TRƯỜNG THPT AN KHÁNH NỘI DUNG ÔN TẬP TẠI NHÀ
 TỔ NGỮ VĂN TỪ NGÀY 30/3 ĐẾN 04/4/2020
 Ninh Kiều, ngày 28 tháng 3 năm 2020
ÔN TẬP BÀI THƠ “CHIỀU TỐI” CỦA HỒ CHÍ MINH
I. Hệ thống kiến thức
1. Tác giả
 Hồ Chí Minh (1890-1969) là một nhà chính trị, nhà cách mạng, vị lãnh tụ kiệt xuất của dân tộc Việt Nam, đồng thời cũng là một nhà thơ, nhà văn lớn với nhiều tác phẩm đặc sắc. Người đã để lại cho đời những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật rất cao. Ấy vậy nhưng mở đầu tập thơ Nhật kí trong tù, Người lại viết:
“Ngâm thơ ta vốn không ham
Nhưng vì trong ngục viết làm chi đây
Ngày dài ngâm ngợi cho khuây
Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do”
  Mới nghe qua ta tưởng chừng như trái ngược với sự thực, nhưng suy ngẫm kĩ thì thấy hoàn toàn hợp lý. Hồ Chí Minh không hề có ý định gây dựng cho mình một sự nghiệp văn chương mà tập trung trí lực vào mục đích giành lại độc lập, tự do cho dân, cho nước: Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bực là làm sao cho đất nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Vì lẽ đó, suốt cuộc đời, Người đã chiến đấu, hi sinh cho mục đích cao cả ấy. Ở thời kì cách mạng còn trong trứng nước, Người dành toàn tâm toàn ý cho việc gây dựng phong trào, tập hợp nhân dân dưới ngọn cờ giải phóng. Vì vậy, chuyện “Ngâm thơ ta vốn không ham” là điều dễ hiểu. Nhưng trong thực tế hoạt động cách mạng, vì nhận ra văn chương là một thứ vũ khí sắc bén để chống lại kẻ thù và là phương tiện có nhiều lợi thế để tuyên truyền vận động cách mạng nên Hồ Chí Minh đã nhanh chóng nắm lấy thứ vũ khí ấy để phục vụ cho sự nghiệp cứu nước. Ngoài việc sáng tác để tuyên truyền cách mạng, nhiều lúc Người làm thơ để ghi lại những rung cảm của tâm hồn trước thiên nhiên, trước sự việc và con người bắt gặp trên đường hoạt động. Những lúc ấy, Người là một nhà thơ trữ tình sâu sắc. Điển hình nhất là tập thơ Nhật kí trong tù - cuốn nhật kí bằng thơ đã ghi lại chặng đường gian lao trong suốt 14 tháng ở tù "mười bốn trăng tê tái gông cùm" dưới chế độ nhà tù Tưởng Giới Thạch.
2. Tập thơ Nhật kí trong tù
a. Hoàn cảnh sáng tác
 Tháng 8/1942, với danh nghĩa là đại biểu của Việt Nam độc lập đồng minh hội, Nguyễn Ái Quốc lấy tên là Hồ Chí Minh lên đường sang Trung Quốc để tranh thủ sự viện trợ của bạn bè quốc tế về cuộc cách mạng ở Việt Nam. Sau mười lăm ngày đi bộ khi vừa tới thị trấn Túc Vinh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam vô cớ và bị áp giải gần ba mươi nhà lao của tỉnh Quảng Tây. Trong khoảng thời gian ấy, Hồ Chí Minh đã cho ra đời tập thơ Nhật ký trong tù “Ngục trung nhật kí” viết bằng chữ Hán được ghi lại trong một cuốn sổ tay gồm 134 bài thơ. Tác phẩm được viết từ ngày 29/8/1942 - 10/9/1943. 
b. Nội dung
 - Tập thơ đã phản ánh bức tranh hiện thực tố cáo chế độ nhà tù, chế độ xã hội Trung Quốc dưới thời Tưởng Giới Thạch. 
 - Bức chân dung tự họa của con người tinh thần Hồ Chí Minh
c. Phong cách thơ: kết hợp hài hòa giữa màu sắc cổ điển với bút pháp hiện đại.
d. Giá trị tập thơ: Tập thơ đã thể hiện bản lĩnh thép, tinh thần thép của nhà thơ chiến sĩ Hồ Chí Minh luôn vượt qua hoàn cảnh, hướng về ánh sáng. Muốn hiểu “chất thép” ở bài thơ phải đặt nó trong hoàn cảnh và cảm hứng cụ thể. Hoàn cảnh nhà thơ lúc bấy giờ bị tù đày rất khổ cực, vậy mà Người vẫn ung dung ngắm cảnh và làm thơ. Đấy là “chất thép” kiên cường. Tố Hữu nói rất đúng :
Lại thương nỗi : đoạ đày thân Bác
Mười bốn trăng tê tái gông cùm   
Ôi chân yêu, mắt mờ, tóc bạc      
Mà thơ bay cánh hạc ung dung!
 (Tố Hữu - Theo chân Bác)
 Bên cạnh đó, qua tập thơ người đọc cũng cảm nhận được tình yêu thương bao la ở Bác, tình yêu đó dành cho thiên nhiên, cho quê hương, cho con người, cho những người đồng khổ. nhà thơ Hoàng Trung Thông cho rằng: 
“Vầng thơ của Bác vần thơ thép
Mà vẫn mênh mông bát ngát tình”
 (Hoàng Trung Thông - Cảm tưởng đọc thi gia thi) 
Với những giá trị to lớn đó, tập thơ Nhật kí trong tù đã được dịch ra nhiều tiếng trên thế giới.
3. Bài thơ "Mộ" (Chiều tối) 
a. Xuất xứ: là bài thơ số 31 trong tập thơ Nhật kí trong tù
b. Hoàn cảnh sáng tác: trên đường chuyển lao từ Tĩnh Tây đến Thiên Bảo vào buổi chiều cuối thu 1942.
c. Thể thơ: Thất ngôn tứ tuyệt Đường luật
d. Bố cục: - Theo kết cấu (khai - thừa - chuyển - hợp)
 - Theo 2 phần: hai câu thơ đầu là bức tranh thiên nhiên , hai câu sau là bức tranh hiện thực đời sống.
e. Đối chiếu bản dịch thơ với phiên âm:
- Câu 2: + dịch sót chữ “cô” (lẻ loi, cô đơn)
 + dịch chưa sát chữ “mạn mạn” (lững lờ, chầm chậm)
- Câu 3: + dịch thừa chữ “tối”
 + dịch mất cấu trúc điệp vòng: “ma bao túc” - “bao túc ma”(hoàn)
4. Đọc hiểu bài thơ
a. Bức tranh thiên nhiên buổi chiều tà nơi xóm núi: (Hai câu thơ đầu)
 Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ
 Cô vân mạn mạn độ thiên không
 (Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
 Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không)
 * Hình ảnh gợi tả: cánh chim và chòm mây:
- Thời gian và hoàn cảnh:
+ Thời gian: chiều tối
+ Hoàn cảnh: chặng cuối của một ngày chuyển lao đày ải, cực khổ
- Cảnh thiên nhiên được vẽ bằng những nét vẽ đậm: "chim" - "mỏi", "chòm mây" - "trôi nhẹ".-> Bức tranh nên thơ, yên bình của cuộc sống
- Hình ảnh cánh chim:
     + Ý nghĩa tả thực: cánh chim chiều nên dáng bay mệt mỏi nhưng hướng bay có mục đích: về rừng tìm chốn ngủ -> Chiều tối với vạn vật là sự trở về nghỉ ngơi. 
    + Ý nghĩa liên tưởng: Nét tương đồng: giữa chủ thể trữ tình và hình ảnh cánh chim là đều mệt mỏi, chim bay kiếm ăn một ngày dài, người tù cũng đi bộ cả ngày dài.
 Nét khác biệt: chim cố gắng bay về tổ ấm còn người tù tiếp tục bước đi, lạc lõng nơi đất khách.
-> Ẩn sâu là nỗi nhớ nhà, nhớ nước của người con bị tù đày ở nơi xa xứ
- Hình ảnh chòm mây:
     + Ý nghĩa tả thực: chòm mây lẻ loi trôi lững lờ giữa tầng không
     + Ý nghĩa liên tưởng: đám mây lẻ loi giữa bầu trời cũng như sự lẻ loi cô đơn của người tù giữa núi rừng bao la.
-> Hồ Chí Minh đã phác họa nên một bức tranh vừa cổ điển nhưng rất bình dị, gần gũi. Qua đó, ta thấy được vẻ đẹp tâm hồn của Bác: nhạy cảm, tinh tế, yêu thiên nhiên tha thiết, nghị lực, bản lĩnh phi thường.
Sơ kết: Bức tranh thiên nhiên mang màu sắc cổ điển nhưng gần gũi, bình dị. Qua đó, ta thấy con người và cảnh vật có sự hòa hợp, tương giao. Trên hết, con người còn hiện lên với tư thế ung dung, làm chủ hoàn cảnh - tinh thần “thép”.
 b. Bức tranh hiện thực cuộc sống (hai câu sau)
Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc
Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng
(Cô em xóm núi xay ngô tối
Xay hết lò than đã rực hồng)
 * Hình ảnh tiêu biểu: cô em xay ngô và lò than đã rực hồng
- “Sơn thôn thiếu nữ”: hình ảnh người thôn nữ cùng với công việc lao động giữa miền sơn cước.  Hình ảnh thiếu nữ xay ngô là trung tâm của bức tranh, thể hiện vẻ đẹp khỏe khoắn của người lao động.
-> Sự xuất hiện của thiếu nữ xay ngô khiến bài thơ có tiến triển mới: Thiên nhiên đi vào nghỉ ngơi nhưng nhịp sống con người vẫn dẻo dai. Cảnh trong hai câu đầu rất tĩnh còn ở hai câu cuối này nhờ hoạt động con người mà trở nên sinh động hơn
- Phép điệp vòng: “ma bao túc” - “bao túc ma”: 
 + Vòng xoay của cối xay ngô
 + Sự vận động của thời gian từ chiều đến tối.
- "lò than rực hồng" trong đêm tối như đang nhen nhóm lên niềm vui, niềm lạc quan, xua tan đi cảm giác lạnh lẽo, cô đơn trong lòng người xa xứ. “Hồng” là hơi ấm, là ánh sáng, niềm vui và sự tin yêu
-> Nhãn tự “hồng”: tứ thơ vận động từ bóng tối ra ánh sáng:
 + Sự ấm áp, xua đi màn đêm tăm tối, lạnh lẽo
 + Niềm tin, sự lạc quan 
=> Mạch thơ có sự vận động: từ tối đến sáng, từ buồn đến vui, thể hiện cái nhìn lạc quan, hướng tới tương lai của tác giả.
Sơ kết: Với bút pháp tả thực, bức tranh cuộc sống hiện lên sinh động, giản dị, đời thường. Qua đó, ta thấy được tình cảm nhân đạo và tinh thần lạc quan của Bác.
3. Tổng kết
* Nội dung: Qua việc khắc họa bức tranh thiên nhiên và bức tranh cuộc vùng rừng núi bình dị, người đọc cảm nhận được tình yêu thiên nhiên, cuộc sống và ý chí vượt lên trên hoàn cảnh khắc nghiệt của nhà thơ - chiến sĩ Hồ Chí Minh.
* Nghệ thuật:
- Đậm màu sắc cổ điển và tinh thần hiện đại
- Bút pháp chấm phá, nghệ thuật tả cảnh ngụ tình tinh tế
- Điệp ngữ chuyển tiếp, cách dùng từ linh hoạt
- Ngôn từ tả ít, gợi nhiều, ý tồn tại ngoài lời
II. Vận dụng
Hướng dẫn cách nghị luận về tác phẩm “Chiều tối” - Hồ Chí Minh
Đề minh họa: Phân tích chất “tình” và chất “thép” trong bài thơ “Chiều tối” (Mộ) của Hồ Chí Minh.
1. Xác định vấn đề nghị luận
2. Lập dàn ý chi tiết
 a. Mở bài
- Giới thiệu tác giả Hồ Chí Minh, tác phẩm “Chiều tối”.
- Dẫn đề: “Chất thép và chất tình”.
b. Thân bài 
- Khái quát hoàn cảnh sáng tác tác phẩm.
- Luận điểm 1: Chất tình: (Chất trữ tình chính là những cảm xúc, rung động của nhà thơ trước cái đẹp của tạo vật, của tình người).
+ Hai câu đầu là bức tranh thiên nhiên nổi bật, Bác thể hiện tình yêu thiên nhiên, nâng niu từng sự sống. 
+ Hình ảnh một cánh chim cuối chiều hướng bay về rừng tìm chốn ngủ sau một ngày sải cánh gợi một buổi chiều tối êm đềm đầy tĩnh lặng.
+ Tâm trạng tác giả: Buổi chiều tà cuối ngày ấy với hình ảnh “chim mỏi” và “chòm mây” lẻ loi lại khiến con người nhớ quê nhà hơn, một ánh nhìn xa xăm cùng với khát vọng tự do mãnh liệt được như cánh chim trời, hay sự tha thiết với cái vẻ nhẹ nhàng tự do của chòm mây.
+ Hình ảnh con người lao động giản dị, cần mẫn trở thành trung tâm của bức tranh. Đó là hình ảnh hài hòa, gắn bó giữa con người và thiên nhiên tạo nên sự lãng mạn, rất thơ trong tác phẩm. Qua đó, người đọc cảm nhận được tình yêu thương bao la của Bác dành cho con người, cuộc sống
+ Nghệ thuật: thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, bút pháp chấm phá, lấy điểm tả diện, lấy động tả tĩnh, ngôn ngữ súc tích.
- Luận điểm 2: Chất thép: (Chất thép là ý chí bất khuất kiên cường, sự tự tin, luôn lạc quan tin tưởng vào mục tiêu trước mắt của người chiến sĩ cách mạng).
+ Hai câu đầu: giữa cái khung cảnh chiều tả lặng lẽ hiu quạnh ấy, người chiến sĩ vẫn không hề cảm thấy tẻ nhạt mà vẫn ấm lòng với một khát khao tự do, một ước muốn mạnh mẽ được giải phóng như cánh chim và chòm mây đó.
+ Hai câu thơ cuối bài thể hiện chất thép sâu sắc và đậm nét hơn cả: Bức tranh cuộc sống: Cô gái miền sơn cước trong sự lao động chăm chỉ mê say, tư thế xay ngô khỏe khoắn đã cho thấy tinh thần thép trong thơ của Hồ Chí Minh. 
+ Màu “hồng” của lò than là niềm tin sắt đá của người chiến sĩ cũng chính là chất thép. Chỉ với tính từ “hồng” đứng cuối câu mà nhà thơ như xóa tan đi mọi sự mỏi mệt, chỉ còn lại tinh thần lạc quan, sự hân hoan hướng về phía ánh sáng.
+ Nghệ thuật: điệp ngữ, nhãn tự, ngôn ngữ súc tích.
Đánh giá: 
+ Chất thép và chất tình hòa quyện thật tinh tế: cô gái xay ngô miệt mài bên ánh lửa hồng không chỉ thể hiện tư tưởng của Bác luôn rực cháy mà còn cho thấy cái tình mênh mông, bát ngát mà Hồ Chí Minh đã dành cho con người và cảnh vật.
+ Sự vận động từ hình tượng thơ đến sự vận động trong tư tưởng Hồ Chí Minh tạo nên sự độc đáo, bất ngờ trong thơ Hồ Chí Minh. Thiên nhiên buổi chiều tà hiện lên vào trạng thái nghỉ ngơi thì hình ảnh con người gợi lên nhịp sống mạnh mẽ, dẻo dai và sinh động. Lò than rực hồng của người thôn nữ ấy đã nhóm lên trong đếm tối niềm hạnh phúc, sự lạc quan xua đi cái lạnh lẽo trong lòng người tù xa nhà.
+ Chủ thể trữ tình biểu hiện trong bài thơ là một thi sĩ, chiến sĩ cộng sản hướng về cuộc sống với sự yêu đời và đầy tin tưởng dù cho con đường đang lựa chọn chứa nhiều khó khăn và chông gai;  bình tĩnh, cứng cỏi, chủ động trước gian khổ cũng như biết vượt lên trên mọi hoàn cảnh.
c. Kết bài: 
 Khẳng định lại yêu cầu đề.
III. LUYỆN TẬP
Đề : Cảm nhận của anh/chị về bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh.
DUYỆT CỦA TỔ TRƯỞNG
 Lương Thành Được
GIÁO VIÊN BIÊN SOẠN
 Nguyễn Thị Mỹ Xuyên

File đính kèm:

  • docnoi_dung_on_tap_ngu_van_lop_11_bai_tho_chieu_toi.doc