Nội dung ôn tập Đợt 1 Học kì II môn Ngữ Văn Lớp 11 - Bài: Tràng Giang; Đây thôn Vĩ Dạ

docx 4 trang Mạnh Hào 21/06/2024 930
Bạn đang xem tài liệu "Nội dung ôn tập Đợt 1 Học kì II môn Ngữ Văn Lớp 11 - Bài: Tràng Giang; Đây thôn Vĩ Dạ", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên.

Tóm tắt nội dung tài liệu: Nội dung ôn tập Đợt 1 Học kì II môn Ngữ Văn Lớp 11 - Bài: Tràng Giang; Đây thôn Vĩ Dạ

Nội dung ôn tập Đợt 1 Học kì II môn Ngữ Văn Lớp 11 - Bài: Tràng Giang; Đây thôn Vĩ Dạ
NỘI DUNG ÔN TẬP ĐỢT 1 - HỌC KÌ II - LỚP 11
BÀI: TRÀNG GIANG
(HUY CẬN)
VĂN BẢN:
Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài.
 H.C.
 Tặng Trần Khánh Giư
Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,
Con thuyền xuôi mái nước song song.
Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả;
Củi một cành khô lạc mấy dòng.
Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều.
Nắng xuống, trời lên sâu chót vót;
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.
Bèo giạt về đâu, hàng nối hàng;
Mênh mông không một chuyến đò ngang.
Không cầu gợi chút niềm thân mật,
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.
Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa.
Lòng quê dợn dợn vời con nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.
NỘI DUNG ÔN TẬP
1. Tìm hiểu chung
	a) Tác giả
	- Huy Cận là nhà thơ lớn, một trong những đại biểu xuất sắc của phong trào Thơ mới với hồn thơ ảo não.
	- Thơ Huy Cận hàm súc, giàu chất suy tưởng, triết lí.
	b) Tác phẩm
	- Xuất xứ: rút từ tập Lửa thiêng (1939).
	- Nhan đề: so sánh tên gọi tràng giang với trường giang.
2. Đọc – hiểu văn bản
	a) Nội dung
- Khổ 1:
+ Ba câu đầu mang đậm màu sắc cổ điển, vẽ lên hình ảnh con thuyền nhỏ nhoi lênh đênh, trôi dạt trên dòng sông rộng lớn, mênh mông gợi cảm giác buồn, cô đơn, xa vắng, chia lìa;
+ Câu thứ 4 mang nét hiện đại với hình ảnh rất đời thường: cành củi khô trôi nổi gợi lên cảm nhận về thân phận của những kiếp người nhỏ bé, bơ vơ giữa dòng đời.
- Khổ 2: bức tranh tràng giang được hoàn chỉnh thêm với những chi tiết mới: cồn nhỏ, gió đìu hiu, cây cối lơ thơ, chợ chiều đã vãn, làng xa, trời sâu chót vót, bến cô liêu, nhưng không làm cho cảnh vật sống động hơn, mà càng chìm sâu vào tĩnh lặng,cô đơn, hiu quạnh.
- Khổ 3: tiếp tục hoàn thiện bức tranh tràng giang với hình ảnh những lớp bèo nối nhau trôi dạt trên sông và những bờ xanh tiếp bãi vàng lặng lẽ. Cảnh có thêm màu sắc nhưng càng buồn hơn, chia lìa hơn.
- Khổ 4: 
+ Hai câu thơ đầu là bức tranh phong cảnh kì vĩ, nên thơ. Cảnh được gợi lên bởi bút pháp nghệ thuật cổ điển với hình ảnh mây trắng, cánh chim chiều; đồng thời mang dấu ấn tâm trạng tác giả;
+ Hai câu sau trực tiếp bộc lộ tấm lòng thương nhớ quê hương tha thiết của Huy Cận (so sánh với hai câu thơ của Thôi Hiệu trong Hoàng Hạc lâu).
b) Nghệ thuật
- Sự kết hợp hài hòa giữa sắc thái cổ điển và hiện đại (sự xuất hiện của những cái tưởng như tầm thường, vô nghĩa và cảm xúc buồn mang dấu ấn cái tôi cá nhân).
- Nghệ thuật đối, bút pháp tả cảnh giàu tính tạo hình, hệ thống từ láy giàu giá trị biểu cảm (lơ thơ, đìu hiu, chót vót,).
c) Ý nghĩa văn bản
Vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên, nỗi sầu của cái tôi cô đơn trước vũ trụ rộng lớn, niềm khao khát hòa nhập với cuộc đời và lòng yêu quê hương đất nước tha thiết của tác giả.
BÀI: ĐÂY THÔN VĨ DẠ
(HÀN MẶC TỬ)
VĂN BẢN:
Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên.
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.
Gió theo lối gió, mây đường mây,
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay...
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó,
Có chở trăng về kịp tối nay?
Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra...
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?
NỘI DUNG ÔN TẬP
1. Tìm hiểu chung
	a) Tác giả
	- Hàn Mặc Tử là người có số phận bất hạnh.
	- Ông là một trong những nhà thơ có sức sáng tạo mãnh liệt trong phong trào Thơ mới; “ngôi sao chổi trên bầu trời thơ Việt Nam” (Chế Lan Viên).
	b) Tác phẩm
	- Hoàn cảnh sáng tác: viết năm 1938, in trong tập Thơ điên, được khơi nguồn cảm hứng từ mối tình đơn phương của Hàn Mặc Tử với Hoàng Thị Kim Cúc.
2. Đọc – hiểu văn bản
	a) Nội dung
- Khổ 1: cảnh ban mai thôn Vĩ và tình người tha thiết
+ Câu đầu là câu hỏi tu từ mang nhiều sắc thái: một câu hỏi hay một lời trách nhẹ nhàng, lời mời mọc ân cần.
+ Ba câu sau gợi lên vẻ đẹp hữu tình của thiên nhiên thôn Vĩ trong khoảnh khắc hừng đông. Đằng sau bức tranh phong cảnh là tâm hồn nhạy cảm, yêu thiên nhiên, con người tha thiết cùng niềm băn khoăn day dứt của tác giả.
- Khổ 2: cảnh hoàng hôn thôn Vĩ và niềm đau cô lẻ, chia lìa.
+ Hai câu đầu bao quát toàn cảnh với hình ảnh gió, mây chia lìa đôi ngả; “dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay” gợi nỗi buồn hiu hắt.
+ Hai câu sau tả dòng sông Hương trong đêm trăng lung linh, huyền ảo, vừa thực vừa mộng. Đằng sau cảnh vật là tâm trạng vừa đau đớn, khắc khoải vừa khát khao cháy bỏng của nhà thơ.
- Khổ 3: nỗi niềm thôn Vĩ
+ Hai câu đầu: bóng dáng người xa hiện lên mờ ảo, xa vời trong “sương khói mờ nhân ảnh” trong cảm nhận của khách đường xa.
+ Hai câu cuối: mang chút hoài nghi mà lại chan chứa niềm thiết tha với cuộc đời.
b) Nghệ thuật
- Trí tưởng tượng phong phú;
- Nghệ thuật so sánh, nhân hóa; thủ pháp lấy động gợi tĩnh sử dụng câu hỏi tu từ,
- Hình ảnh sáng tạo, có sự hòa quyện giữa thực và ảo.
c) Ý nghĩa văn bản
Bức tranh phong cảnh Vĩ Dạ và lòng yêu đời, ham sống mãnh liệt mà đầy uẩn khúc của nhà thơ.

File đính kèm:

  • docxnoi_dung_on_tap_dot_1_hoc_ki_ii_mon_ngu_van_lop_11_bai_trang.docx