Đề tham khảo thi THPT Quốc Gia môn Ngữ Văn trường THPT Bắc Kạn (Có đáp án)
Bạn đang xem tài liệu "Đề tham khảo thi THPT Quốc Gia môn Ngữ Văn trường THPT Bắc Kạn (Có đáp án)", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên.
Tóm tắt nội dung tài liệu: Đề tham khảo thi THPT Quốc Gia môn Ngữ Văn trường THPT Bắc Kạn (Có đáp án)
ĐỀ THAM KHẢO TRƯỜNG THPT BẮC KẠN I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm) Đọc đoạn trích dưới đây: Tự trọng nghĩa là biết coi trọng mình, nhưng không phải theo nghĩa vị kỷ (chỉ biết đến danh lợi của bản thân mình) mà là coi trọng phẩm giá/đạo đức của mình. Một người có tự trọng hay không cũng thường được thể hiện qua câu trả lời hay qua hành xử của anh ta cho những câu trả lời như: “Điều gì khiến tôi sợ hãi/xấu hổ?”, “Điều gì khiến tôi tự hào/hạnh phúc?” Người tự trọng tất nhiên sẽ biết sợ sự trừng phạt của nhà nước (sợ pháp lý) nếu làm trái pháp luật và sợ điều tiếng dư luận của xã hội (sợ đạo lý) nếu làm trái với luân thường, lẽ phải. Nhưng đó vẫn chưa phải là điều đáng sợ nhất với họ. Điều đáng sợ nhất đối với một người tự trọng là sự giày vò bản thân khi làm những chuyện đi ngược lại lương tri của chính mình, phản bội lại lẽ sống, giá trị sống, nguyên tắc sống mà mình theo đuổi và có cảm giác đánh mất chính mình. Nói cách khác, đối với người tự trọng, có đạo đức, “tòa án lương tâm” còn đáng sợ hơn cả “tòa án nhà nước” hay “tòa án dư luận”. [] Nói cách khác, người tự trọng/tự trị thường không muốn làm điều xấu, ngay cả khi không ai có thể biết việc họ làm; Họ sẵn lòng làm điều tốt ngay cả khi không có ai biết đến; Họ sẵn lòng làm điều đúng mà không hề để ý đến chuyện có ai ghi nhận việc mình làm hay không. Nếu tình cờ có ai đó biết và ghi nhận thì cũng vui, nhưng nếu không có ai biết đến và cũng không có ai ghi nhận điều tốt mà mình làm thì cũng không sao cả, vì phần thưởng lớn nhất đối với người tự do/tự trị/tự trọng là “được sống đúng với con người của mình”, tất nhiên đó là con người phẩm giá, con người lương tri mà mình đã chọn. (Trích Đúng việc - Giản Tư Trung, NXB Tri thức, 2016, tr.27-28) Thực hiện các yêu cầu: Câu 1. Chỉ ra điều đáng sợ nhất đối với một người tự trọng được nêu trong đoạn trích. Câu 2. Theo tác giả, sự khác biệt giữa người vị kỷ và người tự trọng là gì? Câu 3. Anh/Chị hiểu như thế nào về khái niệm “tòa án lương tâm”? Câu 4. Anh/Chị tâm đắc nhất với thông điệp nào trong đoạn trích trên? Tại sao? II. LÀM VĂN (7.0 điểm) Câu 1 (2.0 điểm) Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của việc được sống đúng với con người của mình. Câu 2 (5.0 điểm) Trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của nhà văn Nguyễn Minh Châu, nghệ sĩ Phùng đã phát hiện ra hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa tuyệt đẹp, đồng thời cũng khám phá ra bức tranh hiện thực cuộc sống của một gia đình hàng chài trên biển sớm mờ sương. Phân tích hai phát hiện của nghệ sĩ Phùng, từ đó rút ra những thông điệp về cuộc sống và nghệ thuật mà nhà văn muốn chuyển đến bạn đọc. HƯỚNG DẪN CHẤM Phần Câu Nội dung Điểm I ĐỌC HIỂU 3.0 1 Điều đáng sợ nhất đối với một người tự trọng là sự giày vò bản thân khi làm những chuyện đi ngược lại lương tri của chính mình, phản bội lại lẽ sống, giá trị sống, nguyên tắc sống mà mình theo đuổi và có cảm giác đánh mất chính mình. 0.5 2 Sự khác biệt giữa người vị kỷ và người tự trọng: người vị kỷ chỉ biết đến danh lợi của bản thân mình, người tự trọng biết coi trọng phẩm giá/ đạo đức của mình. 0.5 3 “Tòa án lương tâm”: là sự xét xử, luận tội bản thân không căn cứ vào quy định pháp luật mà dựa trên sự tự dằn vặt, phán xét vì đã vi phạm những nguyên tắc đạo đức và lẽ sống của chính mình. 1.0 4 HS rút ra một thông điệp sâu sắc theo cảm nhận của cá nhân. Cần lưu ý có phần lý giải về thông điệp đó. 1.0 II LÀM VĂN 7.0 1 Trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của việc được sống đúng với con người của mình. 2.0 a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành. 0.25 b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận Suy nghĩ về ý nghĩa của việc được sống đúng với con người của mình 0.25 c. Triển khai vấn đề cần nghị luận Học sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng cần làm rõ ý nghĩa của việc được sống đúng với con người của mình. Có thể theo hướng sau: - Giải thích khái niệm: “được sống đúng với con người của mình” nghĩa là được hành động theo những lẽ sống mà mình trân trọng, thực hiện những giá trị sống mà mình tôn thờ, theo đuổi những nguyên tắc sống mà mình đề cao. - Ý nghĩa: + Giúp con người thanh thản, hạnh phúc, cuộc sống có ý nghĩa. + Phát huy được năng lực của bản thân. + Nhận được sự tôn trọng, yêu quý của mọi người. - Đánh giá, nâng cao: “Sống đúng với con người của mình” không đồng nghĩa với việc sống một cách bảo thủ và cố chấp, cứng nhắc và thiếu hòa nhập, tuyệt đối hóa nguyên tắc sống của bản thân dẫn đến tự cao, tự đại xa rời với cộng đồng. 1.0 d. Chính tả, dùng từ, đặt câu Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ nghĩa, ngữ pháp tiếng Việt 0.25 e. Sáng tạo Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận 0.25 2 Phân tích hai phát hiện của nghệ sĩ Phùng trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của nhà văn Nguyễn Minh Châu, từ đó rút ra những thông điệp về cuộc sống và nghệ thuật mà nhà văn muốn chuyển đến bạn đọc. 5.0 a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận Mở bài giới thiệu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề. 0.25 b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận Hai phát hiện của nghệ sĩ Phùng trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của nhà văn Nguyễn Minh Châu; Rút ra những thông điệp về cuộc sống và nghệ thuật mà nhà văn muốn chuyển đến bạn đọc. 0.5 c. Triển khai vấn đề cần nghị luận Vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng * Giới thiệu ngắn gọn về nhà văn Nguyễn Minh Châu, truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa và vấn đề nghị luận 0.5 * Phân tích hai phát hiện của nghệ sĩ Phùng - Phát hiện thứ nhất: + Cảnh một chiếc thuyền ngoài xa trong biển sớm mờ sương đã tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt mĩ: “Mũi thuyền in một nét mơ hồ, lòe nhòe vào bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào. Vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im phăng phắc như tượng trên chiếc mui khum khum,đang hướng mặt vào bờ”. Với Phùng đây là khoảnh khắc kì diệu chưa bao giờ được thấy trong đời cầm máy của mình, một cảnh “đắt” trời cho, như một bức tranh mực tàu của một danh hoạ thời cổ “toàn bộ khung cảnh từ đường nét đến ánh sáng đều hài hòa và đẹp, một vẻ đẹp thực đơn giản và toàn bích”. + Vẻ đẹp của chiếc thuyền ngoài xa đã tác động mãnh liệt đến tâm hồn của người nghệ sĩ khơi dậy những cảm xúc thăng hoa kì diệu. Đứng trước một bức tranh tuyệt tác của hóa công, người nghệ sĩ nhiếp ảnh trở nên “bối rối”, “trong trái tim như có cái gì bóp thắt vào”. Trong khoảnh khắc đó, Phùng cảm giác đã khám phá ra được cái chân lí của sự hoàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn”. Đó là sự nhạy cảm trước cái đẹp của một con người tài hoa, am hiểu sâu sắc về hội họa. + Hạnh phúc của nghệ sĩ Phùng là hạnh phúc của sự khám phá và sáng tạo, của sự cảm nhận cái đẹp tuyệt diệu. Để có được niềm hạnh phúc ấy, người nghệ sĩ phải kiên trì, phải vượt khó, phải đam mê hết mình vì nghệ thuật. Những tác phẩm nghệ thuật vô giá không phải tự nhiên mà có, nó là sản phẩm của một hành trình đi tìm cái đẹp, quá trình lao động miệt mài của người nghệ sĩ chân chính. Nhà văn còn muốn nhấn mạnh khả năng nhân đạo hóa con người của nghệ thuật chân chính rằng cái đẹp có tác dụng thanh lọc tâm hồn con người. - Phát hiện thứ hai: + Khi chiếc thuyền lại gần, Phùng đã tận mắt chứng kiến bi kịch của một gia đình hàng chài: Bước ra từ chiếc thuyền ngư phủ đẹp như mơ kia là một người đàn bà xấu xí, mệt mỏi, cam chịu và một lão đàn ông thô kệch, dữ dằn, độc ác, lão trút cơn giận như lửa cháy bằng cách dùng chiếc thắt lưng quật tới tấp vào lưng người đàn bà, lão vừa đánh vừa thở hồng hộc, hai hàm răng nghiến ken két, cứ mỗi nhát quất xuống lão lại nguyền rủa bằng cái giọng đau đớn: “Mày chết đi cho ông nhờ, chúng mày chết đi cho ông nhờ”, là đứa con muốn bảo vệ mẹ lao vào cha một cách bản năng. + Tất cả như một vở kịch câm, chứa đầy những nghịch lí, không chú giải, không một lời thoại, kịch tính đến nghẹt thở với những hình ảnh khô khốc, bao liệt, phi nhân tính, nó phũ phàng xâm lấn cái giây phút hạnh phúc của người nghệ sĩ, khiến phùng hụt hẫng, bàng hoàng, cứ đứng “há mồm ra mà nhìn!” + Qua phát hiện thứ hai này, Nguyễn Minh Châu cho chúng ta thấy đằng sau bức tranh thuyền và biển tuyệt diệu là hiện thực cuộc sống khắc nghiệt, còn quá nhiều những nỗi khổ đau, bất hạnh. Nhà văn muốn khẳng định cái đẹp của nghệ thuật dễ nắm bắt hơn cái bản chất của cuộc sống. - Đánh giá chung: + Phát hiện thứ nhất của người nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng đầy thơ mộng, nhưng Phát hiện thứ hai của anh lại đầy nghịch lí, nó bất ngờ và trớ trêu như trò đùa quái ác của cuộc sống. Hình ảnh chiếc thuyền nhìn lúc ngoài xa rất khác nhìn lúc gần. Chiếc thuyền trong bức ảnh trời cho người nghệ sĩ nhiếp ảnh chụp được mang vẻ đẹp tuyệt đỉnh của ngoại cảnh. Nhưng hiện thực cuộc sống của gia đình hàng chài kia lại phũ phàng, tàn nhẫn. Phùng những tưởng mình vừa khám phá thấy cái “chân lí của sự toàn thiện”, nhưng rồi chính anh bất ngờ nhận ra sự vênh lệch giữa cái đẹp của nghệ thuật với số phận cực nhọc, tăm tối của con người sống ngay giữa thiên nhiên toàn bích đó. + Nhà văn đã xây dựng được một tình huống truyện độc đáo, ngôn ngữ linh hoạt, sáng tạo, giàu giá trị biểu cảm 2.5 * Rút ra những thông điệp về cuộc sống và nghệ thuật mà nhà văn muốn chuyển đến bạn đọc: - Từ hai phát hiện của người nghệ sĩ, nhà văn muốn chuyển đến người đọc những suy ngẫm hết sức sâu sắc: Cuộc sống rất đa dạng và phức tạp luôn chứa đựng nhiều nghịch lí, mâu thuẫn không dễ lí giải. Nó không chỉ có những vẻ đẹp như mơ và còn có cả những điều xấu xa, độc ác; Khi đánh giá con người và cuộc sống, mỗi chúng ta và nhất là người nghệ sĩ không nên giản đơn, sơ lược, không thể chỉ nhìn ở dáng vẻ bề ngoài mà phải đi sâu tìm hiểu, phát hiện bản chất bên trong. 0.5 d. Chính tả, dùng từ, đặt câu Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ nghĩa, ngữ pháp tiếng Việt 0.25 e. Sáng tạo Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận 0.5 TỔNG ĐIỂM 10.0
File đính kèm:
- de_tham_khao_thi_thpt_quoc_gia_mon_ngu_van_truong_thpt_bac_k.doc