Đề cương ôn tập kiểm tra lại môn Ngữ Văn Lớp 10 năm học 2020- 2021

doc 9 trang Mạnh Hào 19/06/2024 920
Bạn đang xem tài liệu "Đề cương ôn tập kiểm tra lại môn Ngữ Văn Lớp 10 năm học 2020- 2021", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên.

Tóm tắt nội dung tài liệu: Đề cương ôn tập kiểm tra lại môn Ngữ Văn Lớp 10 năm học 2020- 2021

Đề cương ôn tập kiểm tra lại môn Ngữ Văn Lớp 10 năm học 2020- 2021
TRƯỜNG THPT AN KHÁNH
TỔ NGỮ VĂN
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Ninh Kiều, ngày 02 tháng 06 năm 2021
ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP KIỂM TRA LẠI NĂM HỌC 2020-2021
MÔN NGỮ VĂN - KHỐI 10
PHẦN I: ĐỌC HIỂU
1. Xác định thể thơ
- Căn cứ vào số tiếng trong dòng thơ, số câu trong bài thơ.
- Căn cứ vào luật thơ (về hiệp vần, phối thanh,...)
- Các thể thơ hiện đại:
+ Thơ tự do: Không giới hạn số câu trong một bài và số tiếng trong một dòng.
+ Thơ 5 chữ : Mỗi dòng có 5 tiếng, không giới hạn số câu trong một bài, không bắt buộc theo luật bằng – trắc, phối thanh, hiệp vần.
+ Thơ 5 chữ : Mỗi dòng có 6 tiếng, Không giới hạn số câu trong một bài, không bắt buộc theo luật bằng – trắc, phối thanh, hiệp vần.
+ Thơ 7 chữ : Mỗi dòng có 7 tiếng, không giới hạn số câu trong một bài, không bắt buộc theo luật bằng – trắc, phối thanh, hiệp vần....
2. Nhận biết một vấn đề theo quan điểm của tác giả: HS cần dựa vào ngữ liệu đọc hiểu để tìm ý trả lời cho câu hỏi.
3. Nhận biết đề tài của văn bản
 Để xác định đề tài của văn bản, ta có thể dựa vào các yếu tố sau :
- Tên văn bản
- Tiêu đề trong nội bộ văn bản (Câu chủ đề)
- Hệ thống từ ngữ chủ đề của văn bản (những từ ngữ được lặp đi, lặp lại nhiều lần trong văn bản).
4. Xác định nội dung chính của đoạn văn 
- Xác định nội dung chính của đoạn văn có câu chủ đề: dựa vào câu chủ đề, bởi câu chủ đề nêu nội dung khái quát, gần với ý chính của đoạn văn.
 - Xác định nội dung chính của đoạn văn không có câu chủ đề : ta cần tìm ý bộ phận của từng câu rồi khái quát thành ý chung nhất bằng cách dồn nén thông tin vào trong một câu.
5. Xác định văn bản theo phương thức biểu đạt
KIỂU VĂN BẢN
ĐẶC ĐIỂM CỦA PHƯƠNG THỨC BIỂU ĐẠT
Miêu tả
Dùng chi tiết, hình ảnh giúp người đọc hình dung ra được những đặc điểm nổi bật của sự việc, sự vật, con người.làm cho những đối tượng được nói đến như hiện ra ngay trước mặt người đọc.
Tự sự
Trình bày một chuỗi sự việc liên quan với nhausự việc này dẫn đến sự việc kia, cuối cùng có kết thúc nhằm giải thích sự việc.
Biểu cảm
Bày tỏ tư tưởng, tình cảm, thái độ, của người viết đối với đối tượng được nói tới.
Thuyết minh
Trình bày, giới thiệu, giải thíchnhằm làm rõ đặc điểm của đối tượng, cung cấp tri thức về các hiện tượng và sự vật trong tự nhiên và xã hội.
Nghị luận
Dùng lí lẽ và dẫn chứng làm sáng tỏ luận điểm nhằm thuyết phục người nghe về một tư tưởng, quan điểm.
Hành chính - công vụ
Truyền đạt nội dung yêu cầu của cấp trên hoặc bày tỏ ý kiến nguyện vọng của cá nhân tới cơ quan hoặc người có quyền để giải quyết.
6. Xác định phong cách chức năng ngôn ngữ của văn bản 
PHONG CÁCH NGÔN NGỮ
CÁC THỂ LOẠI VĂN BẢN
ĐẶC TRƯNG CƠ BẢN
NGÔN NGỮ
PCNN sinh hoạt
- Dạng nói : đối thoại, đọc thoại.
- Dạng viết : thư, nhật ký..
- Dạng lời nói tái hiện : tác phẩm văn học.
-Tính cụ thể
-Tính cảm xúc
- Tính cá thể
Sinh hoạt
PCNN nghệ thuât
-Thơ ca, hò vè,
- Truyện, tiểu thuyết, kí,
- Kịch bản,
- Tính hình tượng
- Tính truyền cảm
- Tính cá thể hóa.
Ngôn ngữ nghệ thuật
7. Xác định các biện pháp tu từ và hiệu quả của các biện pháp tu từ đó
 a. Biện pháp điệp: điệp từ, điệp ngữ, điệp cú pháp, điệp âm, điệp vần
Ðiệp  là biện pháp lặp đi lặp lại có ý thức những từ, ngữ nhằm mục đích mở rộng, nhấn mạnh ý nghĩa hoặc gợi ra những cảm xúc trong lòng người đọc.
 b. Biện pháp so sánh:
 Các từ so sánh thường gặp: là, như là, tựa như là, y như, hệt như, giống như, tựa như, bao nhiêu... bấy nhiêu... )
 Hình thức : BPTT so sánh bao giờ cũng công khai phô bày 2 vế :
 + Vế so sánh
 + Vế được so sánh
 c. Biện pháp nhân hóa: là gọi hoặc tả con vật, cây cối, đồ vật,bằng những từ ngữ vốn được gọi hoặc tả con người để biểu thị những suy nghĩ, tình cảm của con người.
 d. Biện pháp ẩn dụ: gọi tên sự vật hiện tượng này bằng tên sự vật, hiện tượng khác có nét tương đồng với nó nhằm sức gợi hình, gợi cảm, hàm súc cho sự diễn đạt.
 e. Biện pháp hoán dụ: gọi tên sự vật, hiện tượng, khái niệm bằng tên gọi của sự vật, hiện tượng khác có quan hệ gần gũi với nó nhằm tăng sức gợi cảm cho sự diễn đạt. 
 g. Biện pháp tu từ nói giảm – nói tránh: dùng cách biểu đạt tế nhị, uyển chyển nhằm lảng tránh cảm giác đau buồn, thô tục, thiếu văn hóa.
 h. Biện pháp tương phản( đối) : là cách dùng các từ ngữ biểu thị những khái niệm đối lập cùng xuất hiện trong một văn cảnh làm rõ được đặc điểm của đối tượng được miêu tả.
v Lưu ý:
- Phải xác định được đúng biện pháp tu từ (hình ảnh, từ, câu sử dụng biện pháp tu từ).
- Nêu được hiệu quả về mặt nội dung và hiệu quả về mặt nghệ thuật
8. Thông điệp của văn bản (là những nội dung thông tin mà tác giả muốn truyền tải tới người đọc)
9. Giải thích một vấn đề đặt ra từ văn bản: Khi giải thích một vấn đề được gợi ra từ văn bản cần lưu ý nên đặt vấn đề đó trong mối quan hệ với văn bản.
10. Có đồng ý với ý kiến của tác giả không, lý giải. HS cần phải đưa ra lựa chọn đồng tình/ không đồng tình và đưa ra lý giải một cách thuyết phục theo quan điểm đã chọn.
11. Viết một đoạn văn khoảng 5-7 dòng về cảm nhận...
PHẦN II: LÀM VĂN
NGHỊ LUẬN XÃ HỘI: Viết đoạn văn 150 chữ 
1. Nghị luận về hiện tượng đời sống
- Phân loại :
+ Các hiện tượng tích cực trong đời sống: tương thân tương ái, tự học thành tài
+ Các hiện tượng tiêu cực trong đời sống: ô nhiễm môi trường, thực phẩm bẩn, tai nạn giao thông, gian lận trong thi cử
+ Các hiện tượng hai mặt: đam mê thần tượng, du học rồi ở lại nước ngoài, mạng xã hội
- Cấu trúc chung của đoạn văn:
+ Mở đoạn:
Ÿ Dẫn dắt vào hiện tượng.
Ÿ Nêu thái độ đánh giá về hiện tượng.
+ Thân đoạn: Thực – Nguyên – Thái – Biện – Liên.
Ÿ Bước 1: Nêu rõ thực trạng, các biểu hiện cụ thể của hiện tượng trong đời sống (Nó như thế nào?)
ŸBước 2: Nêu nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên (Nguyên nhân khách quan và chủ quan; nuyên nhân sâu xa và trực tiếp).
Ÿ Bước 3: Nêu thái độ đánh giá, nhận định về mặt đúng – sai, lợi – hại, kết quả – hậu quả, biểu dương – phê phán.
Ÿ Bước 4: Biện pháp khắc phục hậu quả hoặc phát huy kết quả. (Cần phải làm gì?)
Ÿ Bước 5: Liên hệ bản thân, rút ra bài học nhận thức và hành động cho mình.
+ Kết đoạn: Đưa ra thông điệp hay lời khuyên cho tất cả mọi người.
2. Nghị luận về tư tưởng đạo lí
– Đề bài thường trích một câu trong đọc hiểu để yêu cầu thí sinh bày tỏ ý kiến, bàn luận. Cũng có những đề bài không trích dẫn văn bản mà trực tiếp nên vấn đề cần nghị luận. Để nắm vững phần này, HS nên ôn tập theo chủ đề. Các vấn đề từ câu nói thường yêu cầu bàn luận như:
+ Nhận thức: lí tưởng, khát vọng, niềm đam mê, mục đích sống
+ Phẩm chất: lòng yêu nước, tính trung thực, lòng dũng cảm, sự khiêm tốn, sự tự học, lòng ham hiểu biết, sự cầu thị
+ Quan hệ gia đình: tình mẫu tử, tình anh em
+ Quan hệ xã hội: tình bạn, tình thầy trò, tình đồng bào
+ Cách ứng xử của mọi người trong cuộc sống: lòng nhân ái, thái độ hòa nhã, sự vị tha
+ Các tư tưởng lệch lạc, tiêu cực: ích kỉ, thực dụng, dối trá, hèn nhát
- Cấu trúc chung của đoạn văn:
 + Mở đoạn: (khoảng 2 dòng)
 ŸDẫn dắt vào vấn đề
 ŸTrích dẫn câu nói.
+ Thân đoạn: Giải – Phân – Minh – Luận – Dụng
 Ÿ Bước 1: Giải thích ý nghĩa câu nói/ vấn đề.
Yêu cầu: Chỉ giải thích những từ ngữ, hình ảnh còn ẩn ý hoặc chưa rõ nghĩa. Phải đi từ yếu tố nhỏ đến yếu tố lớn: giải thích từ ngữ, hình ảnh ẩn ý trước rồi mới khái quát ý nghĩa của cả câu nói. Nên dựa vào nôi dung phần Đọc hiểu để giải thích ý nghĩa, tránh suy diễn tùy tiện. Bởi vì có những câu nói khi đứng độc lập thì nó có ý nghĩa khác so với nghĩa trong văn cảnh. Nếu đề bài không trích dẫn câu nói thì chỉ cần giải thích ngắn gọn khái niệm/ vấn đề cần bàn luận.
Ÿ Bước 2: Phân tích, nêu quan điểm của cá nhân (thấy đúng, sai hay cả đúng cả sai).
Lý giải quan điểm đó (Vì sao đúng? Vì sao sai?)
Yêu cầu:
+ Phân tách các vế của câu nói để xem xét cặn kẽ, thấu đáo.
+ Khi bàn luận, cần có căn cứ khách quan.
Ÿ Bước 3: Minh chứng bằng các dẫn chứng, ví dụ cụ thể (Biểu hiện như thế nào?)
Yêu cầu: Dẫn chứng phải tiêu biểu, hợp lí, phục vụ cho việc bàn luận. Nên kết hợp dẫn chứng lịch sử – hiện tại, trong nước – ngoài nước, người nổi tiếng – người bình thường sao cho phong phú và có sức thuyết phục.
+ Có 4 cách nêu dẫn chứng:
 Cách 1: nêu số liệu (Ví dụ: số liệu về người mắc ung thư do thực phẩm bẩn).
 Cách 2: nêu hiện tượng hiển nhiên, không thể chối cãi (Ví dụ: thủng tầng ô-zôn
khiến bầu khí quyển bị ảnh hưởng)
Cách 3: nêu tấm gương điển hình, nổi tiếng (Ví dụ: Walt Disney, Bill Gate)
 Cách 4: nêu lời nói của một người nổi tiếng (Ví dụ: Nhà văn Mark Twain từng
nói: “Không có gì buồn hơn tiếng thở dài của người còn trẻ mà đã bi quan”.
Ÿ Bước 4: Luận bàn mở rộng vấn đề: Phê phán điểm hạn chế, phân tích mặt tích cực.
ŸBước 5: Áp dụng tư tưởng đạo lí vào trong thực tế: Nêu bài học nhận thức và hành
động (Cần phải làm gì?)
Yêu cầu: Bài học phải được rút ra từ chính tư tưởng, đạo lí mà đề bài yêu cầu bàn luận. Bài học cần chân thành, giản dị, hướng tới tuổi trẻ, không sáo rỗng, hình thức. Nên rút ra hai bài học, một bài học về nhận thức, một bài học về hành động.
 + Kết đoạn: Đưa ra một thông điệp hay một lời khuyên cho mọi người.
Lưu ý : Có những dạng “đề nổi” , xác định rõ phạm vi nội dung bài viết. Các em cần xác định rõ đâu là luận điểm chính, đâu là luận điểm phụ, không phải tất cả các bước đều triển khai dung lượng như nhau.
B. NGHỊ LUẬN VĂN HỌC: NGHỊ LUẬN VỀ MỘT BÀI THƠ, ĐOẠN THƠ; MỘT TÁC PHẨM, MỘT ĐOẠN TRÍCH VĂN XUÔI
 1. Kĩ năng làm bài nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ
Dạng bài nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ thường có các nội dung sau:
- Giới thiệu khái quát về tác giả, bài thơ, vấn đề nghị luận (bài thơ, đoạn thơ).
- Bàn về giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ, đoạn thơ.
- Đánh giá chung về bài thơ, đoạn thơ.
a. Yêu cầu
- Đọc kĩ một bài thơ, đoạn thơ nắm: hoàn cảnh, nội dung, vị trí,
- Đoạn thơ bài thơ có những hình ảnh, ngôn ngữ gì đặc biệt.
- Đoạn thơ, bài thơ thể hiện phong cách nghệ thuật, tư tưởng tình cảm của tác giả như thế nào?
b. Các bước tiến hành
* Tìm hiểu đề
- Đọc kĩ đề, xác định vấn đề nghị luận
- Các thao tác lập luận để thực hiện bài viết.
- Phạm vi dẫn chứng.
* Tìm ý: có nhiều cách tìm ý:
- Tìm ý bằng cách đi sâu vào những hình ảnh, từ ngữ, tầng nghĩa của tác phẩm,
- Tìm ý bằng cách lập câu hỏi: tác phẩm hay ở chỗ nào? Nó xúc động ở tình cảm, tư tưởng gì? Cái hay thể hiện ở hình thức nghệ thuật nào? Hình thức đó được xây dựng bằng những thủ pháp nào?
* Lập dàn ý:
- Mở bài 
+ Giới thiệu tác giả, giới thiệu bài thơ, đoạn thơ (nhà thơ, phong cách, quan điểm sáng tác, hoàn cảnh sáng tác bài thơ, vị trí,)
+ Dẫn bài thơ, đoạn thơ
- Thân bài
+ Làm rõ nội dung tư tưởng, nghệ thuật của đoạn thơ, bài thơ (dựa theo các ý tìm được ở phần tìm ý).
+ Bình luận về vị trí đoạn thơ, đoạn thơ
- Kết bài
 Đánh giá vai trò và ý nghĩa đoạn thơ, bài thơ trong việc thể hiện nội dung tư tưởng và phong cách nghệ thuật của nhà thơ.
2. Kĩ năng làm bài nghị luận về một tác phẩm, đoạn trích văn xuôi
 * Yêu cầu
- Giới thiệu tác phẩm hoặc đoạn trích văn xuôi cần nghị luận.
- Phân tích giá trị nội dung và nghệ thuật theo định hướng của đề hoặc một số khía cạnh đặc sắc nhất của tác phẩm đoạn trích.
- Nêu đánh giá chung về tác phẩm, đoạn trích.
 * Các bước tiến hàn Bước 1: Tìm hiểu đề
- Đọc kĩ đề, xác định vấn đề cần làm rõ.
- Các thao tác nghị luận.
- Phạm vi dẫn chứng.
Bước 2: Tìm ý
Bước 3: Lập dàn ý 
 * Mở bài:
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm, đoạn trích (xuất xứ, hoàn cảnh sáng tác,)
- Dẫn nội dung nghị luận.
* Thân bài:
- Ý khái quát : tóm tắt tác phẩm, đoạn trích.
- Làm rõ nội dung, nghệ thuật theo định hướng của đề
- Nêu cảm nhận, đánh giá về tác phẩm, đoạn trích.
 * Kết bài:
 Nhận xét, đánh giá khái quát tác phẩm, đoạn trích (cái hay, độc đáo)
3. Hướng dẫn luyện tập làm bài nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ
- Chuyện chức phán sự đền Tản Viên (Trích Truyền kì mạn lục) – Nguyễn Dữ
- Trao duyên (Trích Truyện Kiều)– Nguyễn Du
- Chí khí anh hùng (Trích Truyện Kiều)– Nguyễn Du
* KIẾN THỨC CƠ BẢN
 Bài 1
CHUYỆN CHỨC PHÁN SỰ ĐỀN TẢN VIÊN
(Trích Truyền kì mạn lục – Nguyễn Dữ)
	1. Tìm hiểu chung
	a) Tác giả
	 Nguyễn Dữ (?-?), sống vào khoảng TK. XVI. Ông xuất thân trong một gia đình khoa bảng, từng đi thi và fra làm quan, nhưng không lâu thì lui về ẩn dật.
	b) Tác phẩm
 - Truyền kì mạn lục là một thể văn xuôi tự sự thời trung đại phản ánh hiện thực qua các yếu tố kì ảo, hoang đường. Tuy nhiên, đằng sau các chi tiết có tính chất li kì, phi hiện thực, người đọc vẫn có thể tìm thấy những vấn đề cốt lõi của hiện thực cũng như quan niệm của tác giả.
 - Tác phẩm rút ra từ Truyền kì mạn lục – một “thiên cổ kì bút” viết bằng chữ Hán, gồm 20 truyện, ra đời vào nửa đầu TK.XVI.
 	2. Đọc - hiểu văn bản
 	a) Nội dung
	- Nhân vật Ngô Tử Văn
 + Cương trực, yêu chính nghĩa: Ngô Tử Văn là người rất khảng khái, “thấy sự tà gian thì không thể chịu được” nên đã đốt đền, trừ hại cho dân; sẵn sàng nhận chức phán sự đền Tản Viên để thực hiện công lí.
 + Dũng cảm, kiên cường: không run sợ trước lời đe dọa của hồn ma tướng giặc Minh, chàng vạch mặt tên hung thần; cãi lại quỷ và tên hung thần họ Thôi, dùng lời lẽ cứng cỏi, không chịu nhún nhường để tâu trình lên Diêm Vương
 + Giàu tinh thần dân tộc: đấu tranh đến cùng để diệt trừ hồn ma tên tướng giặc, làm sáng tỏ nỗi oan và phục hồi danh vị cho Thổ thần nước Việt.
 Chiến thắng của Ngô Tử Văn – một kẻ sĩ nước Việt – là sự khẳng định chân lí chính sẽ thắng tà và thể hiện tinh thần dân tộc mạnh mẽ, quyết tâm đấu tranh đến cùng để bảo vệ công lí và chính nghĩa.
 - Ngụ ý của tác phẩm: vạch trần bản chất xảo quyệt, hung ác của hồn ma tướng giặc họ Thôi; phơi bày thực trạng bất công, thối nát của xã hội đương thời và nhắn nhủ hãy đấu tranh đến cùng chống lại cái ác, cái xấu.
 - Lời bình cuối truyện đề cao bản lĩnh của kẻ sĩ.
 	b) Nghệ thuật
 - Xây dựng cốt truyện giàu kịch tính, kết cấu chặt chẽ.
 - Dẫn dắt truyện khóe léo, nhiều chi tiết gây sự chú ý, hấp dẫn.
 - Cách kể chuyện và miêu tả sinh động, hấp dẫn.
 - Sử dụng nhiều yếu tố kì ảo, nhưng vẫn mang những nét hiện thực.
 c) Ý nghĩa văn bản
	Đề cao những người trung thực, ngay thẳng, giàu tinh thần dân tộc đồng thời khẳng định niềm tin vào công lí, chính nghĩa của nhân dân.
 	Bài 2
TRAO DUYÊN
(Trích Truyện Kiều – Nguyễn Du )
	1. Tìm hiểu chung
	 Đoạn trích từ câu 723 -756 của Truyện Kiều, mở đầu cho cuộc đời đau khổ của Kiều.
 	2. Đọc - hiểu văn bản
 	a) Nội dung
	- Đoạn 1 (18 câu đầu): Thúy Kiều nhờ Thúy Vân thay mình trả nghũa cho Kim Trọng
 + Kiều nhờ cậy Vân (chú ý sắc thái biểu cảm của các từ ngữ “cậy”, “lạy”, “thưa”). Lời xưng hô của kiều vừa như trông cậy vừa như nài ép, phù hợp để nói về vấn đề tế nhị “tình chị duyên em”.
 + Nhắc nhở mối tình của mình với chàng Kim: thắm thiết nhưng mong manh, nhanh tan vỡ. Chú ý cách kể nhấn về phía mong manh, nhanh tan vỡ của mối tình.
 + Kiều trao duyên cho em. Chú ý cách trao duyên – trao lời tha thiết, tâm huyết; trao kỉ vật lại dùng dằng, nửa trao, nửa níu – để thấy tâm trạng Kiều trong thời khắc đoạn trường này.
 - Đoạn 2 (Còn lại): Tâm trạng của Kiều sau khi trao duyên
 + Dự cảm về cái chết trở đi, trở lại trong tâm hồn Kiều; trong lời độc thoại nội tâm đầy đau đớn, Kiều hướng tới người yêu với tất cả tình yêu thương và mong nhớ.
 + Từ chỗ nói với em, Kiều chuyển sang nói với mình, nói với người yêu; từ giọng đau đớn chuyển thành tiếng khóc, khóc cho mình, khóc cho mối tình đầu trong sáng, đẹp đẽ vừa mới chớm nở đã tan vỡ.
 	b) Nghệ thuật
	- Miêu tả tinh tế diễn biến tâm trạng nhân vật.
 - Ngôn ngữ độc thoại nội tâm sinh động.
 	c) Ý nghĩa văn bản
	Vẻ đẹp nhân cách của Kiều thể hiện qua nỗi đau đớn khi duyên tình tan vỡ và sự hi sinh đến quên mình vì hạnh phúc của người thân.
Bài 3
CHÍ KHÍ ANH HÙNG
(Trích Truyện Kiều – Nguyễn Du)
	1. Tìm hiểu chung
	Đoạn trích từ câu 2213 đến câu 2230 của Truyện Kiều: Từ Hải từ biệt Thúy Kiều ra đi lập sự nghiệp lớn.
	2. Đọc - hiểu văn bản
 	a) Nội dung
	- Khát vọng lên đường (4 câu đầu)
 Khát khao được vẫy vùng, tung hoành bốn phương là một sức mạnh tự nhiên khôn gì có thể ngăn cản nổi.
 - Lí tưởng anh hùng của Từ Hải (Còn lại)
 Chú ý các động thái của Từ Hải
 + Không quyến luyến, bịn rịn, không vì tình yêu mà quên đi lí tưởng cao cả.
 + Trách Kiều là người tri kỉ mà không hiểu mình, khuyên Kiều vượt lên trên tình cảm thông thường để sánh với anh hùng.
 + Hứa hẹn với Kiều về một tương lai thành công.
 + Khẳng định quyết tâm, tự tin vào thành công.
	b) Nghệ thuật
	KHuynh hướng lí tưởng hóa người anh hùng bằng bút pháp ước lệ và cảm hứng vũ trụ; trong đó, hai phương diện ước lệ và cảm hứng vũ trụ gắn bó chặt chẽ với nhau.
	c) Ý nghĩa văn bản
	Lí tưởng anh hùng Từ Hải và ước mơ công lí của Nguyễn Du.
GV biên soạn Tổ trưởng
 Trà Diệu Hảo	 Trần Thị Hồng Ngọc

File đính kèm:

  • docde_cuong_on_tap_kiem_tra_lai_mon_ngu_van_lop_10_nam_hoc_2020.doc