Đề cương ôn tập kiểm tra Học kì II môn Ngữ Văn Lớp 11 năm học 2019- 2020
Bạn đang xem tài liệu "Đề cương ôn tập kiểm tra Học kì II môn Ngữ Văn Lớp 11 năm học 2019- 2020", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên.
Tóm tắt nội dung tài liệu: Đề cương ôn tập kiểm tra Học kì II môn Ngữ Văn Lớp 11 năm học 2019- 2020
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TP. ĐÀ NẴNG TRƯỜNG THPT CHUYÊN LÊ QUÝ ĐÔN TỔ NGỮ VĂN ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP MÔN NGỮ VĂN KHỐI 11 HỌC KÌ II - NĂM HỌC 2019 - 2020 I. Mục tiêu: - Giúp học sinh nắm được mức độ kiểm tra đánh giá kiến thức và kĩ năng theo chuẩn. - Giúp học sinh nắm được dạng đề kiểm tra và biết cách huy động kiến thức, kĩ năng để làm bài. II. Đề cương ôn tập: 1. Đọc – hiểu a. Câu hỏi nhận biết về kiến thức tiếng Việt: - Phong cách chức năng ngôn ngữ: lưu ý phong cách ngôn ngữ chính luận. - Các phương thức biểu đạt: lưu ý biểu cảm, tự sự, miêu tả, thuyết minh, nghị luận. - Các thao tác lập luận: lưu ý thao tác lập luận bác bỏ, thao tác lập luận bình luận. - Các biện pháp tu từ: so sánh, ẩn dụ, nhân hóa, hoán dụ, nói quá, nói giảm, nói tránh, liệt kê, tương phản, đối lập, đảo ngữ, câu hỏi tu từ, điệp từ, điệp ngữ, điệp cấu trúc, b. Câu hỏi nhận biết nội dung trong văn bản: - Câu hỏi thường có các cụm từ: Theo tác giả, trong văn bản, trong đoạn trích, - Cách trả lời: Đối với dạng câu hỏi này, HS chỉ cần dựa vào ngữ liệu đọc hiểu rồi chép lại thông tin, không cần suy luận, phân tích, nêu ý kiến chủ quan của bản thân. c. Câu hỏi thông hiểu: - Gồm một số dạng câu hỏi thường gặp: + Nêu nội dung chính của văn bản. + Giải thích/ Nhận xét/ Phân tích một vấn đề trong văn bản. Câu hỏi thường có dạng “Anh/chị hiểu như thế nào”, “Nhận xét về” + Phân tích hiệu quả của biện pháp tu từ. - Cách làm: Với dạng câu hỏi này, HS không chỉ căn cứ vào văn bản mà còn phải vận dụng suy nghĩ của mình để lí giải, làm rõ vấn đề. d. Câu hỏi vận dụng: - Gồm các dạng câu hỏi sau: + Đánh giá đúng /sai, đồng tình/không đồng tình về quan niệm, ý kiến. + Thông điệp/bài học có ý nghĩa đối với bản thân. + Nêu giải pháp cho vấn đề - Cách làm: Với những dạng câu hỏi này, HS cần trình bày bằng một đoạn văn ngắn khoảng 5 - 7 dòng bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình và cần lập luận chặt chẽ, thuyết phục. * Dạng câu hỏi: “Anh/chị có đồng tình với ý kiến không? Vì sao?” Cách làm: - Nêu quan điểm: Có những trường hợp sau: + Đồng tình với ý kiến. + Không đồng tình với ý kiến. + Đồng tình 1 phần ý kiến (nửa đồng tình, nửa không đồng tình) - Lí giải “Vì sao?” * Dạng câu hỏi “Thông điệp nào có ý nghĩa nhất đối với anh/chị?” Cách làm: - Chọn một thông điệp có ý nghĩa nhất được đề cập trong ngữ liệu đọc hiểu. - Lí giải vì sao đó là thông điệp ý nghĩa. II. Nghị luận văn học 1. Yêu cầu về kĩ năng: Học sinh cần ôn lại kĩ năng làm một bài văn nghị luận văn học với kiểu bài cảm nhận. Cụ thể: - Phân tích một bài thơ - Phân tích một đoạn thơ - Phân tích một khía cạnh của đoạn thơ hoặc bài thơ. 2. Yêu cầu về kiến thức: Học sinh củng cố, hệ thống lại kiến thức những tác phẩm 2.1. Bài thơ “Vội vàng” – Xuân Diệu 2.1.1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm - Xuân Diệu là nhà thơ “mới nhất trong các nhà thơ mới” (Hoài Thanh) vì ông đã đem đến cho thơ ca đương thời một sức sống mới, một nguồn cảm xúc mới, thể hiện một quan niệm sống mới mẻ cùng với những cách tân nghệ thuật đầy sáng tạo. - “Vội vàng” được in trong tập “Thơ thơ” (1938), là bài thơ tiêu biểu nhất cho hồn thơ Xuân Diệu trước Cách mạng tháng Tám. 2.1.2. Cảm nhận * Nội dung: - 4 câu đầu: Ước muốn táo bạo, muốn đoạt quyền của tạo hoá, muốn ngự trị cả thiên nhiên. - 9 câu tiếp: Cảnh thiên đường trên mặt đất có đủ cả hương vị, màu sắc và cả âm thanh, rất sinh động. Bức tranh mùa xuân tươi vui, hạnh phúc, căng tràn nhựa sống được cảm nhận qua các giác quan và tâm hồn nghệ sĩ yêu đời, khao khát cuộc sống của nhà thơ. - 16 câu tiếp: + Nét mới mẻ trong quan niệm của tác giả về thời gian tuyến tính, một đi không trở lại. + Ý thức đau đớn về sự chảy trôi của thời gian, sự hạn hẹp ngắn ngủi của đời người trước sự mênh mông, rộng lớn của đất trời đã khiến nhà thơ có những cảm nhận tinh tế về sự tàn phai của cuộc đời. - 10 câu cuối: Khát vọng sống hết mình, tận hưởng hết mình, đốt cháy mình dù chỉ trong một phút giây. * Nghệ thuật: - Sự kết hợp giữa mạch cảm xúc và mạch luận lí. - Cách nhìn, cách cảm mới và những sáng tạo độc đáo về hình ảnh thơ. - Sử dụng ngôn từ; nhịp điệu dồn dập, sôi nổi, hối hả, cuồng nhiệt. 2.1.3. Đánh giá: “Vội vàng” thể hiện quan niệm nhân sinh, quan niệm thẩm mĩ mới mẻ của Xuân Diệu – nghệ sĩ của niềm khát khao giao cảm với đời. 2.2. Bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử 2.2.1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm - Hàn Mặc Tử là một trong những cây bút xuất sắc trong phong trào thơ Mới. Thơ của ông là niềm thiết tha với cuộc sống, với con người và ấn chứa niềm đau thương, tâm sự uẩn khúc trước sự ngắn ngủi của cuộc đời. - “Đây thôn Vĩ Dạ” được in trong tập “Đau thương” (1938), là kiệt tác của Hàn Mặc Tử. 2.2.2. Cảm nhận * Nội dung: - Khổ 1 + Bức tranh vườn thôn Vĩ lúc bình minh tươi mới, tinh khôi, tràn đầy sức sống. + Thiên nhiên và con người hài hoà với nhau trong một vẻ đẹp kín đáo, dịu dàng và thơ mộng. + Tâm trạng khao khát gắn bó, tha thiết say mê của chủ thể. - Khổ 2 + Cảnh sông nước, mây trời xứ Huế vừa có nét ảm đạm, nhuốm màu chia lìa, sự sống mệt mỏi, yếu ớt vừa đẹp huyền ảo, thơ mộng. + Dự cảm lo âu, phấp phỏng của chủ thể về hạnh phúc chia xa. - Khổ 3 + Hình ảnh người thiếu nữ Huế qua sự hình dung, tưởng tượng của chủ thể hiện lên nhuốm màu hư ảo. Tất cả như mờ nhòe, không rõ ràng. + Tâm trạng vừa hoài nghi, cô đơn vừa thiết tha, sâu nặng với tình yêu, với cuộc đời. * Nghệ thuật - Nghệ thuật so sánh, nhân hóa. - Thủ pháp lấy động tả tĩnh. - Sử dụng câu hỏi tu từ, đại từ phiếm chỉ “ai”. - Hình ảnh sáng tạo, có sự hòa quyện giữa thực và ảo. 2.2.3. Đánh giá: Bài thơ thể hiện bức tranh phong cảnh Vĩ Dạ và lòng yêu đời, ham sống mãnh liệt mà đầy uẩn khúc của nhà thơ. 2.3. Bài thơ “Tràng giang” của Huy Cận 2.3.1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm - Huy Cận là nhà thơ nổi tiếng trong phong trào thơ Mới với hồn thơ “sầu vạn cổ”. Thơ ông hàm súc, giàu chất suy tưởng, triết lí. - “Tràng giang” là một trong những bài thơ tiêu biểu nhất của Huy Cận in trong tập “Lửa thiêng” (1940). 2.3.2. Cảm nhận * Nội dung - Khổ 1: Cảnh sông nước bao la, vô định, rời rạc, gợi nỗi buồn về sự tan tác, phân li, về sự nhỏ bé, lạc loài của kiếp người. - Khổ 2: + Cảnh có thêm hình ảnh, âm thanh, ánh sáng nhưng không gợi thêm chút niềm vui, sự ấm áp nào mà còn tiêu điều, hoang vắng. + Không gian vũ trụ rợn ngợp càng gợi sự hun hút của lòng người, sự bơ vơ của cái tôi lãng mạn. - Khổ 3: Cảnh mở rộng đến vô cùng nhưng không có sự giao nối, chỉ đem lại nỗi buồn lặng lẽ và nỗi cô đơn đến khôn cùng. Nhưng ẩn sau chi tiết thơ là niềm khát khao giao cảm với đời. - Khổ 4: + Bức tranh phong cảnh kì vĩ, nên thơ. + Trực tiếp bộc lộ tấm lòng thương nhớ quê hương tha thiết của chủ thể. * Nghệ thuật - Sự kết hợp hài hòa giữa sắc thái cổ điển và màu sắc hiện đại. - Nghệ thuật tương phản. - Bút pháp tả cảnh giàu tính tạo hình. - Hệ thống từ láy giàu giá trị biểu cảm. 2.3.3. Đánh giá: Bài thơ gợi lên vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên, nỗi sầu của “cái tôi” cô đơn trước vũ trụ rộng lớn, niềm khát khao hòa nhập với cuộc đời và lòng yêu quê hương đất nước tha thiết của tác giả. 2.4. Bài thơ “Chiều tối” của Hồ Chí Minh 2.4.1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm - Hồ Chí Minh là nhà văn, nhà thơ lớn. Cầm bút với tư cách chiến sĩ nhưng với tư tưởng lớn, tâm hồn lớn và tài năng nghệ thuật phong phú, Bác đã sáng tác nên những tác phẩm có giá trị nghệ thuật. - “Chiều tối” là bài thơ số 31 của tập “Nhật kí trong tù”, được sáng tác vào cuối thu 1942 khi Bác bị giải đi từ nhà lao Tĩnh Tây đến nhà lao Thiên Bảo. 2.4.2. Cảm nhận: * Nội dung: - 2 câu đầu: + Bức tranh thiên nhiên chiều tối ở miền sơn cước mênh mang, vắng lặng. + Vẻ đẹp tâm hồn của chủ thể: yêu thiên nhiên, cảm quan nhân đạo, niềm khao khát tự do và tình yêu đất nước. - 2 câu cuối: + Bức tranh sinh hoạt với hình ảnh con người làm trung tâm, đem lại vẻ đẹp khỏe khoắn, tươi trẻ, đầy sức sống. Hình ảnh “lò than đã rực hồng” gợi sự vận động từ bóng tối đến ánh sáng, từ sự lạnh lẽo đến sự ấm áp, từ nỗi buồn đến niềm vui. + Vẻ đẹp tâm hồn của chủ thể: yêu cuộc sống, tấm lòng nhân đạo, tinh thần lạc quan. * Cảm nhận nghệ thuật: - Sự hài hòa giữa yếu tố cổ điển và hiện đại. - Từ ngữ cô đọng, hàm súc. 2.4.3. Đánh giá: Bài thơ thể hiện rõ tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống, ý chí vượt lên hoàn cảnh khắc nghiệt của nhà thơ – chiến sĩ Hồ Chí Minh. 2.5. Bài thơ “Từ ấy” của Tố Hữu 2.5.1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm - Là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam, là nhà thơ của lí tưởng cộng sản. Thơ Tố Hữu tiêu biểu cho khuynh hướng thơ trữ tình – chính trị, gắn liền với những chặng đường cách mạng của dân tộc. - “Từ ấy” được sáng tác vào tháng 7/1938, khi Tố Hữu vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Đông Dương. Đây là bài thơ tiêu biểu của tập thơ cùng tên cũng là tập thơ đầu tay của Tố Hữu. 2.5.2. Cảm nhận * Nội dung - Khổ 1: Niềm vui sướng trong tâm hồn khi bắt gặp lý tưởng cách mạng. - Khổ 2: Sự thay đổi trong nhận thức của chủ thể, ý thức tự nguyện đem cái tôi cá nhân chan hòa vào cái ta chung để thực hiện lí tưởng giải phóng giai cấp, dân tộc. - Khổ 3: Sự chuyển biến trong tình cảm của chủ thể, nhấn mạnh tình cảm thân thiết ruột thịt với đại gia đình quần chúng lao khổ. * Nghệ thuật - Hình ảnh tươi sáng, giàu ý nghĩa tượng trưng. - Ngôn ngữ gợi cảm, giàu nhạc điệu. - Giọng thơ sáng khoái, nhịp thơ hăm hở. 2.5.3. Đánh giá: Bài thơ thể hiện niềm vui lớn, lẽ sống lớn, tình cảm lớn của chủ thể trong buổi đầu gặp gỡ lí tưởng cộng sản. III. Cấu trúc đề kiểm tra Đề kiểm tra gồm hai phần: Phần 1: Đọc - hiểu (3.0 điểm) Phần 2: Nghị luận văn học (7.0 điểm) -----------------------Hết ---------------------
File đính kèm:
- de_cuong_on_tap_kiem_tra_hoc_ki_ii_mon_ngu_van_lop_11_nam_ho.docx