Đề cương ôn tập kiểm tra Học kì II môn Ngữ Văn Lớp 10 năm học 2019- 2020

docx 4 trang Mạnh Hào 08/10/2024 420
Bạn đang xem tài liệu "Đề cương ôn tập kiểm tra Học kì II môn Ngữ Văn Lớp 10 năm học 2019- 2020", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên.

Tóm tắt nội dung tài liệu: Đề cương ôn tập kiểm tra Học kì II môn Ngữ Văn Lớp 10 năm học 2019- 2020

Đề cương ôn tập kiểm tra Học kì II môn Ngữ Văn Lớp 10 năm học 2019- 2020
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TP. ĐÀ NẴNG
TRƯỜNG THPT CHUYÊN LÊ QUÝ ĐÔN
TỔ NGỮ VĂN
ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP MÔN NGỮ VĂN KHỐI 10
HỌC KÌ II - NĂM HỌC 2019 - 2020
A. Mục tiêu:
- Giúp học sinh nắm được mức độ kiểm tra đánh giá kiến thức và kĩ năng theo chuẩn.
- Giúp học sinh nắm được dạng đề kiểm tra và biết cách huy động kiến thức, kĩ năng để làm bài.
B. Đề cương ôn tập:
I. Đọc – hiểu
1. Câu hỏi nhận biết:
* Gồm các dạng câu hỏi về:
- Các phong cách ngôn ngữ: phong cách ngôn ngữ sinh hoạt và phong cách ngôn ngữ nghệ thuật.
- Các phương thức biểu đạt: tự sự, miêu tả, biểu cảm, nghị luận, thuyết minh, hành chính – công vụ.
- Các biện pháp tu từ: so sánh, nhân hóa, ẩn dụ, hoán dụ, nói quá, nói giảm, nói tránh, liệt kê, tương phản, đối lập, đảo ngữ, câu hỏi tu từ, điệp từ, điệp ngữ, điệp cấu trúc 
- Xác định thể loại, thể thơ; tìm thành ngữ, tục ngữ, từ láy, chi tiết trong văn bản.
* Lưu ý cách làm: Đối với dạng câu hỏi có các cụm từ: theo tác giả, trong văn bản, trong đoạn trích, HS chỉ cần dựa vào văn bản rồi chép lại thông tin, không cần suy luận, phân tích, nêu ý kiến chủ quan của bản thân.
2. Câu hỏi thông hiểu:
* Gồm các dạng câu hỏi:
- Nêu nội dung chính của văn bản.
- Phân tích ý nghĩa, tác dụng của biện pháp tu từ, thành ngữ, tục ngữ, từ láy
- Giải thích/Nhận xét/Phân tích một vấn đề trong văn bản. Câu hỏi thường có dạng “Anh/chị hiểu như thế nào”, “Nhận xét về”
* Lưu ý cách làm: HS không chỉ căn cứ vào văn bản mà còn phải vận dụng suy nghĩ của mình để lí giải, làm rõ vấn đề.
3. Câu hỏi vận dụng:
* Gồm các dạng câu hỏi:
- Đánh giá đúng/sai, đồng tình/không đồng tình về quan niệm, ý kiến.
- Thông điệp/bài học có ý nghĩa đối với bản thân.
* Lưu ý cách làm: HS cần trình bày bằng một đoạn văn ngắn khoảng 5 - 7 dòng bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình và cần lập luận chặt chẽ, thuyết phục.
- Cách làm dạng câu hỏi “Anh/chị có đồng tình với ý kiến không? Vì sao?”:
+ Nêu quan điểm: đồng tình/không đồng tình/không hoàn toàn đồng tình (đồng tình một phần).
+ Lí giải “Vì sao?”.
- Cách làm dạng câu hỏi “Thông điệp nào có ý nghĩa nhất đối với anh/chị?”, “Anh/chị rút ra được bài học nào cho bản thân?”:
+ Chỉ ra thông điệp có ý nghĩa nhất/bài học được rút ra từ văn bản.
+ Lí giải vì sao đó là thông điệp ý nghĩa, liên hệ bản thân và thực tế cuộc sống.
II. Nghị luận văn học
1. Yêu cầu về kĩ năng: Học sinh cần ôn lại kĩ năng làm một bài văn nghị luận văn học với kiểu bài cảm nhận. Cụ thể:
- Phân tích một đoạn thơ
- Phân tích một khía cạnh của đoạn thơ
2. Yêu cầu về kiến thức: Học sinh củng cố, hệ thống lại kiến thức các bài học
2.1. Đoạn trích “Trao duyên” (trích “Truyện Kiều” của Nguyễn Du):
2.1.1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm, đoạn trích
- Nguyễn Du là đại thi hào của dân tộc. Ông vừa là một thiên tài văn học vừa là một nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn. “Truyện Kiều” là kiệt tác của văn học Việt Nam, kết tinh tấm lòng và tài năng của Nguyễn Du.
- Đoạn trích “Trao duyên” nằm ở phần “Gia biến và lưu lạc”, kể lại sự việc Thúy Kiều trao duyên cho em gái Thúy Vân, nhờ em thay mình trả nghĩa cho Kim Trọng.
2.1.2. Cảm nhận
* Nội dung:
- Bi kịch tình yêu và thân phận bất hạnh của Thúy Kiều: 
+ Mối tình đầu với Kim Trọng ngắn ngủi, đổ vỡ vì chữ “hiếu” khiến Kiều buồn khổ tột cùng trong mặc cảm của kẻ phản bội.
+ Dự cảm ám ảnh về cái chết đau đớn, oan ức làm Kiều lo sợ, tuyệt vọng trước tương lai.
- Vẻ đẹp tính cách và nhân phẩm của Thúy Kiều:
+ Thái độ chân thành, tha thiết và lời lẽ khéo léo, tinh tế đã giúp Kiều thuyết phục và trao duyên cho em.
+ Kiều là người con hiếu thảo, chấp nhận hi sinh hạnh phúc của bản thân để bảo vệ gia đình.
+ Kiều dành cho Kim Trọng một tình yêu sâu sắc, vừa trao duyên cho em để thực hiện lời thề vừa tự xem mình là kẻ phụ tình bạc nghĩa, vừa giữ chữ tín vừa giàu lòng tự trọng. Đằng sau một tình yêu vừa cao thượng vừa ích kỉ là một khát vọng hạnh phúc mãnh liệt, cháy bỏng.
* Nghệ thuật:
- Nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật bằng sự kết hợp nhuần nhuyễn, linh hoạt giữa đối thoại và độc thoại.
- Các thủ pháp đặc trưng của văn chương trung đại như sử dụng điển tích điển cố, ước lệ tượng trưng
- Ngôn từ nghệ thuật uyên bác, tinh tế, điêu luyện.
2.1.3. Đánh giá: Đoạn trích thể hiện bi kịch tình yêu, thân phận bất hạnh và nhân cách cao đẹp của Thúy Kiều, đồng thời cho thấy tài năng miêu tả nội tâm nhân vật của Nguyễn Du.
2.2. Đoạn trích “Chí khí anh hùng” (trích “Truyện Kiều” của Nguyễn Du):
2.2.1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm, đoạn trích
- Nguyễn Du là đại thi hào của dân tộc. Ông vừa là một thiên tài văn học vừa là một nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn. “Truyện Kiều” là kiệt tác của văn học Việt Nam, kết tinh tấm lòng và tài năng của Nguyễn Du.
- Đoạn trích “Chí khí anh hùng” nằm ở phần “Gia biến và lưu lạc”, kể lại sự việc Từ Hải từ biệt Thúy Kiều để lên đường kiến công lập nghiệp.
2.2.2. Cảm nhận
* Nội dung:
- Từ Hải là một đấng trượng phu quân tử mang khát vọng to lớn về một sự nghiệp lẫy lừng, vừa tự tin vừa lí trí khi đứng trước lí tưởng của bản thân.
- Tư thế ra đi của Từ Hải vừa mạnh mẽ, dứt khoát vừa ung dung, tự tại, vẽ nên tầm vóc to lớn sánh ngang với vũ trụ, đất trời.
- Từ Hải còn là một người đàn ông yêu thương, thấu hiểu và trân trọng Thúy Kiều thể hiện qua lời từ chối tinh tế, thuyết phục và lời hứa hẹn tự tin, chắc chắn.
* Nghệ thuật:
- Lối miêu tả lý tưởng hóa cùng cảm hứng vũ trụ của Nguyễn Du trong việc xây dựng hình tượng người anh hùng.
- Sự kết hợp hiệu quả giữa miêu tả gián tiếp bằng lời người kể chuyện và miêu tả trực tiếp bằng lời nhân vật.
- Các thủ pháp đặc trưng của văn chương trung đại như sử dụng điển tích điển cố, ước lệ tượng trưng
- Ngôn từ nghệ thuật uyên bác, tinh tế, điêu luyện.
2.2.3. Đánh giá: Đoạn trích thể hiện lí tưởng anh hùng của Nguyễn Du qua nhân vật Từ Hải, đồng thời cho thấy cảm hứng sáng tạo và nghệ thuật miêu tả của Nguyễn Du trong việc xây dựng hình tượng người anh hùng.
C. Cấu trúc đề kiểm tra
Đề kiểm tra gồm hai phần:
Phần 1: Đọc - hiểu (3.0 điểm)
Phần 2: Nghị luận văn học (7.0 điểm)
-----------------------Hết ---------------------

File đính kèm:

  • docxde_cuong_on_tap_kiem_tra_hoc_ki_ii_mon_ngu_van_lop_10_nam_ho.docx