Đề cương ôn tập Học kì II môn Địa lí Lớp 11 năm học 2019- 2020

docx 6 trang Mạnh Hào 02/10/2024 520
Bạn đang xem tài liệu "Đề cương ôn tập Học kì II môn Địa lí Lớp 11 năm học 2019- 2020", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên.

Tóm tắt nội dung tài liệu: Đề cương ôn tập Học kì II môn Địa lí Lớp 11 năm học 2019- 2020

Đề cương ôn tập Học kì II môn Địa lí Lớp 11 năm học 2019- 2020
Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn
 Tổ Địa lí
ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP HỌC KÌ II NĂM HỌC 2019 – 2020
MÔN: ĐỊA LÍ 11
I - NỘI DUNG:
-Vị trí địa lí và đặc điểm lãnh thổ của khu vực Đông Nam Á.
-Nằm ở đông nam châu Á, diện tích rộng, gồm 11 quốc gia (trong đó có Việt Nam), được chia thành 2 bộ phận: 
+ Đông Nam Á lục địa (5 nước)
+ Đông Nam Á biển đảo (6 nước)
- Gồm một hệ thống các bán đảo, đảo và quần đảo đan xen giữa các biển và vịnh biển rất phức tạp. 
- Nằm trọn trong khu vực nội chí tuyến
- Nhiều quốc gia tiếp giáp với các vùng biển rộng lớn
- Cầu nối thông thương hàng hải
- Tiếp giáp với hai nền văn minh lớn là Trung Quốc và Ấn Độ.
-Đặc điểm tự nhiên của khu vực Đông Nam Á + Đánh giá (Thuận lợi, khó khăn)
a. Đặc điểm
- Đông Nam Á lục địa:
	+ Địa hình bị chia cắt mạnh bởi các dãy núi chạy dài theo hướng tây bắc – đông nam hoặc bắc – nam, nhiều nơi núi lan ra sát biển. Giữa các dãy núi là các thung lũng rộng và ven biển có các đồng bằng phù sa màu mỡ do các sông lớn bồi đắp nên thuận lợi cho canh tác nông nghiệp, đặc biệt là gieo trồng lúa nước.
	+ Khí hậu nhiệt đới gió mùa
	+ Nhiều than đá, dầu mỏ, sắt, thiếc
-Đông Nam Á biển đảo: 
	+ Là một trong những khu vực tập trung nhiều đảo lớn nhất thế giới, bao gồm nhiều quần đảo và hàng vạn đảo lớn nhỏ.
	+ Ít đồng bằng, nhiều đồi núi và núi lửa. Đồng bằng lớn tập trung ở các đảo Calimantan, Xumatra, Niu Ghine... có đất đai màu mỡ.
+ Khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa và khí hậu xích đạo
+ Nhiều than đá, dầu mỏ, sắt, thiếc, đồng...
b. Thuận lợi và khó khăn của ĐK tự nhiên đối với phát triển KT-XH của Đông Nam Á. 
-Thuận lợi: 
+Khí hậu nóng ẩm, hệ đất trồng phong phú (đất feralit, đất đỏ badan, đất phù sa màu mỡ...), mạng lưới sông ngòi dày đặc, thuận lợi cho phát triển một nền nông nghiệp nhiệt đới.
+Đông Nam Á có lợi thế về biển (trừ Lào), thuận lợi để phát triển các ngành kinh tế biển, thương mại, hàng hải.
+Có nhiều khoáng sản; vùng thềm lục địa nhiều dầu khí, là nguồn nguyên, nhiên liệu cho phát triển kinh tế.
+Diện tích rừng xích đạo và nhiệt đới ẩm lớn.
-Khó khăn: 
+Nhiều thiên tai như núi lửa, động đất, sóng thần, bão
+Diện tích rừng lớn nhưng đang có nguy cơ bị thu hẹp.
+ Khoáng sản giàu chủng loại nhưng hạn chế về tiềm năng khai thác.
-Dân cư, xã hội của khu vực Đông Nam Á
a. Dân cư:
-Số dân đông, mật độ dân số cao. Dân số đông trong điều kiện trình độ phát triển kinh tế chưa cao đã ảnh hưởng tới vấn đề việc làm và nâng cao chất lượng cuộc sống.
- Tỉ suất gia tăng dân số tự nhiên có chiều hướng giảm.
- Dân số trẻ, số người trong độ tuổi lao động chiếm trên 50%.
- Nguồn lao động dồi dào nhưng còn thiếu lao động có tay nghề và trình độ chuyên môn cao.
- Phân bố dân cư không đều, chủ yếu tập trung ở các đồng bằng châu thổ, ven biển và một số vùng đất đỏ badan, gây sức ép đến tài nguyên đất đai và khó khăn trong giải quyết việc làm, trong khi các vùng giàu tài nguyên ở miền núi lại thiếu lao động.
b. Xã hội:
- Các quốc gia Đông Nam Á đều có nhiều dân tộc. Một số dân tộc phân bố rộng, không theo biên giới quốc gia, gây không ít khó khăn trong quản lí , ổn định CT-XH ở mỗi nước.
- Là nơi giao thoa của nhiều nền văn hóa lớn trên thế giới (Trung Hoa, Ấn Độ, Nhật Bản, Âu, Mĩ), các nước Đông Nam Á tiếp nhận nhiều giá trị văn hóa của thế giới.
- Người dân có phong tục tập quán, sinh hoạt văn hóa rất gần nhau, thuận lợi cho việc hợp tác cùng phát triển.
-Kinh tế của khu vực Đông Nam Á
a. Cơ cấu kinh tế
- Đang có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, biểu hiện:
	+Giảm tỉ trọng khu vực I
	+Tỉ trọng khu vực II tăng mạnh
	+ Tỉ trọng khu vực III tăng ở tất cả các nước.
=> Thể hiện sự chuyển đổi từ nền kinh tế thuần nông, lạc hậu sang nền kinh tế có nền công nghiệp, dịch vụ phát triển.
b. Ngành công nghiệp
- Hướng phát triển: 	
	+Tăng cường liên doanh, liên kết với nước ngoài.
	+Hiện đại hóa trang thiết bị, chuyển giao công nghệ.
	+ Đào tạo kĩ thuật cho người lao động
	+Chú trọng phát triển, sản xuất hàng xuất khẩu.
- Công nghiệp SX, lắp ráp ô tô, xe máy và thiết bị điện tử: Gần đây tăng trưởng nhanh và ngày càng trở thành thế mạnh của các nước trong khu vực. Phân bố: Singapo, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Việt Nam...
- CN khai thác dầu khí: Phát triển khá nhanh trong những năm gần đây ở Brinei, Indonesia, Việt Nam...; Khai thác than và các khoáng sản kim loại; dệt may, giày da, các ngành tiểu thủ công nghiệp, chế biến thực phẩm... nhằm phục vụ xuất khẩu cũng được phát triển.
- CN điện: Sản lượng điện của toàn khu vực đang tăng, nhưng lượng điện bình quân đầu người còn thấp.
c. Ngành dịch vụ
- Mục đích: Phục vụ đời sống, nhu cầu phát triển trong nước và thu hút các nhà đầu tư.
- Hướng phát triển:
	+ Phát triển CSHT các khu công nghiệp
	+ Xây dựng đường sá, phát triển giao thông
	+ Hiện đại hóa mạng lưới thông tin, dịch vụ ngân hàng.
d. Ngành nông nghiệp
- Nền nông nghiệp nhiệt đới. Các ngành chính: trồng lúa nước, trồng cây công nghiệp và cây ăn quả; chăn nuôi, đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản.
	+ Trồng lúa nước: Lúa nước là cây lương thực truyền thống và quan trọng, được trồng nhiều ở các đồng bằng. Sản lượng không ngừng tăng (đạt 161 triệu tấn, năm 2004), đứng đầu là Indonesia. Thái Lan và Việt Nam đã trở thành những nước đứng hàng đầu thế giới về xuất khẩu gạo. Các nước cơ bản đã giải quyết được nhu cầu lương thực.
	+ Trồng cây công nghiệp: Chủ yếu để xuất khẩu thu ngoại tệ. Cao su được trồng nhiều ở Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Việt Nam. Cà phê, hồ tiêu được trồng nhiều nhất ở Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Ngoài ra, còn có các sản phẩm từ cây lấy dầu, lấy sợi. Cây ăn nhiệt đới được trồng ở hầu hết các nước.
	+ Chăn nuôi, đánh bắt và nuôi trồng thủy, hải sản: Chăn nuôi gia súc vẫn chưa trở thành ngành chính, mặc dù số lượng gia súc khá lớn. Trâu, bò được nuôi nhiều ở Mianma, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam. Lợn được nuôi nhiều ở Việt Nam, Philippin, Thái Lan, Indonesia. Gia cầm được nuôi ở nhiều nước. Đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản là ngành kinh tế truyền thống và đang tiếp tục phát triển.
Mục tiêu và cơ chế hợp tác của ASEAN
- Lịch sử hình thành và phát triển: 
	+Thành lập năm 1967, với 5 quốc gia sáng lập là Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippin và Singapo.
	+Hiện nay có 10 nước thành viên.
	+Quốc gia chưa gia nhập: Đông Timo
- Mục tiêu: Đoàn kết và hợp tác vì một ASEAN hòa bình, ổn định, cùng phát triển.
- Cơ chế hợp tác:
Thách thức của ASEAN
- Trình độ phát triển còn chênh lệch.
- Còn một bộ phân dân cư có mức sống còn thấp, còn tình trạng đói nghèo sẽ là lực cản của sự phát triển, là nhân tố dễ xảy ra mất ổn định xã hội.
- Tăng trưởng không đều, trình độ phát triển còn chênh lệch dẫn tới một số nước có nguy cơ tụt hậu.
- Một số vấn đề xã hội như tôn giáo, bạo loạn, khủng bố ở một số quốc gia.
Việt Nam trong quá trình hội nhập ASEAN
- Về kinh tế, giao dịch thương mại của Việt Nam trong khối đạt 30%.
- Tham gia hầu hết các hoạt động chính trị, văn hóa, giáo dục, xã hội, thể thao...
- Vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao.
- Cơ hội: Tiếp cận được thị trường rộng lớn của ASEAN với hơn 500 triệu dân.
- Thách thức: Chênh lệch về trình độ phát triển, công nghệ...
II. BÀI TẬP GỢI Ý
2.1. Trắc nghiệm khách quan:
ND1 - Vị trí địa lí và đặc điểm lãnh thổ của khu vực Đông Nam Á.
Câu 1. Đông Nam Á nằm ở vị trí cầu nối giữa
A. Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương
B. Thái Bình Dương và Đại Tây Dương
C. Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương
D. Thái Bình Dương và Địa Trung Hải
Câu 2. Ý nào sau đây không đúng khi mô tả đặc điểm vị trí địa lí của Đông Nam Á?
A. Nằm ở đông nam châu Á
B. Cầu nối giữa lục địa Oxtraylia và lục địa Á – Âu
C. Nơi tiếp giáp giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương
D. Gồm một hệ thống các bán đảo, đảo và quần đảo phức tạp.
Câu 3. Quốc gia nào sau đây không thuộc Đông Nam Á biển đảo?
A. Brunei, Đông Timo
B. Singapo, Indonesia
C. Brunei, Philippin
D. Campuchia, Việt Nam
ND2 - Đặc điểm tự nhiên của khu vực Đông Nam Á + Đánh giá (Thuận lợi, khó khăn)
Câu 4. Điều kiện thuận lợi để nhiều nước Đông Nam Á phát triển mạnh công nghiệp năng lượng là có
A. than đá, dầu khí, năng lượng mặt trời
B. dầu khí, bô xít, năng lượng mặt trời
C. bô xít, quặng sắt, năng lượng mặt trời
D. năng lượng mặt trời, than đá, bô xít
Câu 5. Cây công nghiệp lâu năm nhiệt đới được trồng nhiều ở Đông Nam Á là do có
A. đất feralit rộng, đất badan màu mỡ; khí hậu nhiệt đới nóng ẩm
B. đất phù sa diện tích rộng, khí hậu nhiệt đới và cận xích đạo
C. đất trồng có nhiều loại, khí hậu xích đạo và nhiệt đới
D. đất trồng có diện tích rộng, khí hậu xích đạo và nhiệt đới
Câu 6. Đông Nam Á lục địa có khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhưng mùa đông lạnh vẫn còn ở
A. Bắc Thái Lan và Bắc Myanmar
B. Bắc Myanmar và Bắc Lào
C. Bắc Việt Nam và Bắc Thái Lan
D. Bắc Việt Nam và Bắc Myanmar 
Câu 8. Đông Nam Á có
A. số dân đông, mật độ dân số cao
B. nhập cư đông, mật độ dân số cao
C. nhập cư ít, lao động chủ yếu là già
D. dân số đông, xu hướng giảm dần
Câu 9. Tác động tiêu cực nào sau đây ở mỗi quốc gia không phải là chủ yếu do tình trạng đói nghèo ở một bộ phận dân cư gây ra?
A. Thiếu vốn đầu tư để phát triển sản xuất
B. Dinh dưỡng kém làm yếu sức lao động
C. Nảy sinh các vấn đề xã hội phức tạp
D. Lao động di cư ra nước ngoài nhiều
Câu 10. Ý nào sau đây không đúng với đặc điểm dân cư của khu vực Đông Nam Á?
A. Lao động có trình độ chuyên môn cao.
B. Số người trong độ tuổi lao động chiếm trên 50%.
C. Tỉ suất gia tăng dân số tự nhiên hiện nay có chiều hướng giảm.
D. Dân số đông, mật độ dân số khu vực cao hơn so với thế giới.
ND4 - Kinh tế của khu vực Đông Nam Á:
Câu 11. Hướng phát triển công nghiệp của các nước Đông Nam Á không phải là
A. tăng cường liên doanh, liên kết với nước ngoài
B. hiện đại hóa thiết bị, chuyển giao công nghệ
C. tăng cường đào tạo kĩ thuật cho người lao động
D. tập trung sản xuất phục vụ nhu cầu trong nước
Câu 12. Nền nông nghiệp Đông Nam Á có tính chất
A. ôn đới
B. cận nhiệt đới
C. nhiệt đới
D. xích đạo
Câu 13. Cây lương thực truyền thống của các nước Đông Nam Á là
A. lúa gạo
B. ngô
C. củ cải đường
D. cà phê
Câu 14. Nước có sản lượng lúa đứng đầu khu vực Đông Nam Á là
A. Indonesia
B.Việt Nam
C. Thái Lan
D. Mianma
Câu 15. Nhiều nước ở Đông Nam Á phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản trong thời gian gần đây, chủ yếu là do
A. có nhiều mặt nước, ao hồ
B. có nhiều bãi triều, đầm phá
C. thị trường thế giới mở rộng
D. lao động có kinh nghiệm
Câu 16. Dựa vào bảng số liệu sau, em hãy:
SỐ KHÁCH DU LỊCH QUỐC TẾ ĐẾN VÀ CHI TIÊU CỦA KHÁCH DU LỊCH CỦA MỘT SỐ KHU VỰC Ở CHÂU Á NĂM 2014
Khu vực
Số khách du lịch quốc tế đến
(nghìn lượt người)
Chi tiêu của khách du lịch 
(triệu USD)
Đông Á
125 966
219 931
Đông Nam Á
97 262
70 578
Tây Nam Á
93 016
94 255
(Nguồn: Số liệu thống kê Việt Nam và thế giới)
Chi tiêu bình quân mỗi lượt khách du lịch (USD/lượt người) của khu vực Đông Á, Đông Nam Á, Tây Nam Á năm 2014 lần lượt là
A. 1 745 – 725 – 1 013
B. 1,745 – 7,25 – 1,013
C. 1 745 – 1 013 – 725
D. 17,450 – 72,50 – 10,130
ND5 - Thách thức chung của các nước ASEAN.
Câu 17. Dựa vào bảng số liệu sau, em hãy
TỈ LỆ ĐÓI NGHÈO CỦA MỘT SỐ NƯỚC ASEAN NĂM 2016 (Đơn vị: %)
Quốc gia
Thái Lan
Indonesia
Philippin
Mianma
Campuchia
Việt Nam
Lào
Tỉ lệ đói nghèo
12.6
11.3
25.2
25.6
13.0
5.53
5.97
(Nguồn: Số liệu thống kê Việt Nam và thế giới)
Lựa chọn ý nào sau đây là nhận định đúng về tình trạng đói nghèo của các nước trên?
A. Các nước trên đều có tỉ lệ đói nghèo trên 10% 
B. Đói nghèo là thách thức chung đối với các nước ASEAN.
C. Thái Lan có tỉ lệ đói nghèo cao nhất trong các nước trên.
D. Lào có tỉ lệ thấp nhấp trong các nước trên.
ND6 -Việt Nam trong quá trình hội nhập ASEAN.
Câu 18. Dựa vào biểu đồ sau, em hãy
BIỂU ĐỒ THỂ HIỆN CHỈ SỐ HDI CỦA CÁC NƯỚC ASEAN NĂM 2005
Cho biết các nước có chỉ số HDI ở mức trung bình thấp trong ASEAN năm 2005 là
A. Lào, Mianma
B. Campuchia, Việt Nam
C. Việt Nam, Indonesia
D. Malaysia, Singapore
Câu 19. Hành lang kinh tế Đông – Tây có điểm cực Đông là địa điểm nào sau đây?
A. Đà Nẵng (Việt Nam)
B. Bangkok (Thái Lan)
C. Thừa thiên Huế (Việt Nam)
D. Savannakhet (Lào)
Câu 20. Việt Nam gia nhập ASEAN vào năm
A. 1993
B. 1995
C. 1994
D. 1996
2.2 Gợi ý bài tập tự luận
Bài 1. Dựa vào bảng số liệu sau, em hãy:
CƠ CẤU GDP PHÂN THEO KHU VỰC KINH TẾ CỦA VIỆT NAM QUA CÁC NĂM 
(Đơn vị: %)
Khu vực kinh tế
Năm 2000
Năm 2005
Năm 2010
Năm 2015
Khu vực I
24.5
21.0
21.0
18.8
Khu vực II
36.7
41.0
36.7
37.0
Khu vực III
38.8
38.0
42.3
44.2
Nguồn: Số liệu thống kê về Việt Nam và Thế giới, NXB Giáo dục (2017)
Vẽ biểu đồ thể hiện sự chuyển dịch cơ cấu GDP phân theo khu vực kinh tế của Việt Nam giai đoạn 2000 – 2015 và nêu nhận xét.
Bài 2. Dựa vào bảng số liệu sau, em hãy:
SẢN LƯỢNG ĐÁNH BẮT CÁ CỦA MỘT SỐ KHU VỰC TRÊN THẾ GIỚI
(Đơn vị: nghìn tấn)
Khu vực
Năm 1995
Năm 2003
Đông Á
22440.2
23204.5
Đông Nam Á
13119.8
14528.3
Tây Á
1148.2
1036.8
Bắc Âu
19887.1
13926.8
Nguồn: Sách giáo khoa Địa lý 11 – NXB Giáo dục, năm 2008.
Vẽ biểu đồ so sánh sản lượng đánh bắt của một số khu vực trên thế giới các năm trên. Nhận xét về sản lượng đánh bắt cá của Đông Nam Á so với các khu vực khác.
Bài 3. Dựa vào bảng số liệu sau, em hãy
SẢN LƯỢNG CAO SU, CÀ PHÊ CỦA THẾ GIỚI VÀ ĐÔNG NAM Á QUA CÁC NĂM (TRIỆU TẤN)
Nông sản
Năm 2005
Năm 2013
Thế giới
Đông Nam Á
Thế giới
Đông Nam Á
Cao su
9.2
7.0
12.0
9.0
Cà phê
7.5
1.7
8.9
2.4
Nguồn: Số liệu thống kê về Việt Nam và Thế giới, NXB Giáo dục (2017)
a. Vẽ biểu đồ thể hiện sản lượng cao su, cà phê của thế giới và Đông Nam Á qua các năm.
b. Nêu dẫn chứng cho thấy Đông Nam Á là khu vực quan trọng trong việc cung cấp cao su, cà phê cho thế giới.
Hết

File đính kèm:

  • docxde_cuong_on_tap_hoc_ki_ii_mon_dia_li_lop_11_nam_hoc_2019_202.docx